Trong tuần qua, các trường học tại nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức tựu trường cho học sinh lớp 1. Hành trình học tập đầu tiên tại trường tiểu học là một sự chuyển mình quan trọng trong cuộc đời trẻ, và việc chuẩn bị đúng cách có thể giúp trẻ tự tin, thoải mái hơn khi đối mặt với những thay đổi.
Sáng 22/8, học sinh lớp 1 tại tỉnh Cà Mau đồng loạt tựu trường. Thông tin từ Sở GDĐT tỉnh Cà Mau, năm học 2024-2025 toàn tỉnh có gần 17.500 học sinh lớp 1 với 661 lớp tại 213 trường tiểu học. Trước đó, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trường học tạo điều kiện tốt nhất để các em được làm quen với môi trường học tập mới, ổn định tâm lý học sinh, đồng thời chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, vệ sinh trường lớp sạch sẽ để đón các em bước vào năm học mới. Trong ngày đầu tựu trường, các giáo viên chủ nhiệm đã tổ chức một vài hoạt động giúp các học sinh nhanh chóng bắt nhịp ở môi trường mới và tập dần với nề nếp sinh hoạt, quy định của nhà trường. Các cô giáo cũng dành nhiều thời gian để làm quen với từng học sinh.
Cùng ngày 22/8, hàng nghìn học sinh lớp 1 tại Quảng Bình tựu trường, bước vào năm học 2024-2025. Theo Sở GDĐT Quảng Bình, năm học 2024-2025, địa phương có 675 lớp 1 với hơn 18.170 học sinh. Để tạo không khí gần gũi, vui tươi, giúp trẻ sớm hòa nhập, các trường tiểu học trên địa bàn tổ chức đón học sinh với nhiều hình thức khác nhau như: biểu diễn văn nghệ, tổ chức hoạt động tham quan, trò chơi, tặng quà… Đặc biệt để các em không bỡ ngỡ, nhiều nhà trường tạo điều kiện cho phụ huynh được đồng hành cùng con vào trường, vào lớp.
Theo kế hoạch, học sinh lớp 1 tại Quảng Bình có 2 tuần để làm quen với trường lớp, chương trình học trước khi bước vào năm học mới. Với bậc tiểu học, ngành giáo dục tỉnh Quảng Bình đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm như: tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng các công trình trường học; triển khai vệ sinh trường học và các phương án bảo đảm sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh; bố trí thời gian thực hiện chương trình giáo dục, không gây áp lực đối với học sinh; triển khai thực hiện đưa nội dung giáo dục kỹ năng công dân số vào giảng dạy; tiếp tục phát động, tổ chức phong trào thi đua, nhân rộng các cá nhân điển hình.
Theo Sở GDĐT Thành phố Cần Thơ, năm học 2024 - 2025, ngành GDĐT thành phố dự kiến đón 255.935 trẻ em, học sinh, học viên đến trường (trong đó Mầm non 46.916 trẻ; Tiểu học 91.100 học sinh; THCS 74.479 học sinh; THPT 38.040 học sinh và 5.400 học viên Giáo dục thường xuyên. Thành phố hiện có 448 trường. Riêng số học sinh lớp 1 trong năm học của Thành phố Cần Thơ dự kiến là 16.664, ngày 22/8 học sinh lớp 1 ra lớp 15.421/16.664 (đạt tỉ lệ 92,54%)...
Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên của Bộ GDĐT, các nhà trường tổ chức tựu trường sớm nhất trước 1 tuần so với ngày khai giảng. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 2 tuần so với ngày tổ chức khai giảng.
Theo cô Nguyễn Thị Huyền Trang - Quản lý Trường mầm non Olympia (Hoàng Mai, Hà Nội), trẻ bước vào lớp 1 sẽ gặp một số khó khăn nhất định. Đầu tiên là sự thay đổi đột ngột thói quen sinh hoạt. Từ việc ngồi ở trường mầm non với bàn ghế sặc sỡ sắc màu, sắp xếp tự do, lên lớp 1 con phải vào "khuôn khổ” hơn, ngồi bàn gỗ ngăn nắp, tập trung học. Với nhiều trẻ, việc ngồi bàn học ngay ngắn thực sự ngột ngạt, bí bách. Khó khăn nữa là sự thay đổi trong quan hệ giao tiếp. Ở mầm non cô giáo xưng cô - con, dạy trẻ thường kèm theo cưng nựng, chăm sóc trẻ là chính. Còn ở lớp 1, nhiệm vụ của cô là hoàn thành mục tiêu giáo dục nhà trường đề ra cho nên nhiều trẻ cảm thấy e ngại, sợ cô giáo. Phụ huynh cần chuẩn bị cho trẻ tâm lý vững vàng để con vào lớp 1 tự tin. Hãy cho trẻ thấy sự hứng thú đến trường, sự ham thích khi được đi học lớp 1. Ví dụ mua sắm cặp sách mới, bàn học mới, áo quần mới, tạo cho con một góc học tập của riêng mình.
Bố mẹ cũng không nên đưa nhà trường, thầy cô giáo ra để dọa trẻ. Không nên bắt ép con luyện chữ, làm Toán hay học tiếng Anh quá nhiều. Thay vào đó, hãy kể cho con nghe những câu chuyện thú vị về trường học để khơi dậy sự tò mò. Ngoài ra, bố mẹ cần rèn luyện những kỹ năng sống thiết yếu nhất cho con như kỹ năng quan sát, khả năng tập trung... Khả năng tập trung tốt sẽ giúp con không cảm thấy khó chịu khi không được chơi nhiều như trước. Từ đó, con tiếp thu bài dễ hơn và không bị mệt mỏi.
Theo cô giáo Lê Thị Thương, giáo viên Trường Tiểu học Đông Ngạc B (Hà Nội): Việc chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 không chỉ là chuẩn bị sách vở, dụng cụ học tập, đồng phục, mà còn là chuẩn bị cho trẻ một hành trang tâm lý vững chắc để bước vào môi trường học tập mới. Chuẩn bị tâm thế cho trẻ khi vào lớp 1 là một phần quan trọng giúp trẻ cảm thấy tự tin và hào hứng hơn khi bắt đầu hành trình học tập mới. Phụ huynh nên nói cho trẻ biết về trường học, lớp học, và những gì trẻ có thể được khám phá ở môi trường mới. Sử dụng ngôn từ đơn giản và dễ hiểu để trẻ cảm thấy thoải mái và không bị bỡ ngỡ.
Khuyến khích trẻ nhìn nhận việc học là một hoạt động vui vẻ và thú vị. Có thể kể cho trẻ nghe về những hoạt động vui nhộn trong lớp học, như các trò chơi học tập, các sự kiện đặc biệt, hoặc những buổi liên hoan. Giúp trẻ làm quen với lịch trình học tập bằng cách tạo ra thói quen giống như giờ học ở trường. Ví dụ, có thể thiết lập thời gian học và thời gian nghỉ ngơi tại nhà để trẻ dần quen với việc học có giờ giấc cụ thể. Giúp trẻ làm quen với các kỹ năng xã hội cơ bản như chào hỏi, chia sẻ đồ chơi, làm việc nhóm. Những kỹ năng này rất quan trọng trong môi trường lớp học.
Khuyến khích và khen ngợi trẻ khi trẻ hoàn thành các nhiệm vụ nhỏ hoặc có sự tiến bộ. Sự tự tin sẽ giúp trẻ cảm thấy sẵn sàng hơn khi bắt đầu học tập. Đồng thời, gợi ý cho trẻ chia sẻ những cảm xúc của mình về việc vào lớp 1. Nếu trẻ có bất kỳ lo lắng hoặc câu hỏi nào, hãy lắng nghe và hỗ trợ trẻ để giải quyết những lo lắng đó.
Việc chuẩn bị đầy đủ tâm lý, kỹ năng, đồ dùng cần thiết... cho trẻ vào lớp 1 không chỉ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn mà còn tạo nền tảng vững chắc cho hành trình học tập của trẻ.