Hàng chục triệu người đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng trên khắp vùng Sừng châu Phi. Tình hình không thể thay đổi nếu không tiến hành đầu tư quy mô lớn vào khả năng phục hồi và hỗ trợ sinh kế cho người dân.
Khủng hoảng trầm trọng
Mới đây, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) đã cảnh báo về tình hình nhân đạo ở Somalia với nạn đói đang đến rất nhanh. FAO cho biết, vẫn còn thời gian để xoay chuyển tình thế bằng cách giải quyết các nhu cầu trước mắt của các cộng đồng ở nông thôn, vốn nằm trong số những nhóm có nguy cơ cao nhất phải đối mặt với nạn đói.
Trong một tuyên bố, đại diện FAO tại Somalia, ông Etienne Peterschmitt nêu rõ: “Mức độ hỗ trợ nhân đạo hiện nay đang giúp ngăn chặn những hậu quả cực đoan, nhưng không đủ để ngăn chặn nguy cơ nạn đói kéo dài hơn vài tháng”.
Phát biểu với báo chí tại Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) Jens Laerke cho biết, theo báo cáo đánh giá mới nhất của văn phòng, chưa có tuyên bố về nạn đói tại Somalia vào thời điểm này, phần lớn nhờ vào sự hỗ trợ của các tổ chức nhân đạo và cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, ông cảnh báo điều đó “không có nghĩa là người dân không gặp phải tình trạng thiếu lương thực vô cùng nan giải”.
Đại diện FAO tại Somalia, ông Peterschmitt cho biết, cần phải hành động thực tế để giúp các cộng đồng ở Somalia đáp ứng được các nhu cầu trước mắt, điều chỉnh sinh kế và xây dựng khả năng phục hồi khi đối mặt với khủng hoảng khí hậu và các cú sốc kinh tế, cũng như chuẩn bị cho các cộng đồng này đối mặt với bất kỳ điều gì có thể xảy ra trong tương lai.
Trước đó, cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc đã kêu gọi khoản viện trợ 400 triệu USD để cung cấp các dịch vụ nhân đạo tối thiểu cho Nam Sudan nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của nước này trong bối cảnh nhiều cuộc khủng hoảng liên tiếp xảy ra.
Trong một tuyên bố tại thủ đô Juba, điều phối viên nhân đạo của LHQ cho Nam Sudan Sara Beysolow Nyanti cho biết: “Chúng tôi cần nguồn vốn khẩn cấp và kêu gọi thế giới nghĩ đến những người dễ bị tổn thương nhất ở Nam Sudan”. Quan chức LHQ cảnh báo rằng, nếu nhu cầu nhân đạo không được giải quyết, những thiếu hụt về tài chính sẽ khiến hàng triệu người dễ bị tổn thương nhất ở Nam Sudan có nguy cơ không được tiếp cận sự hỗ trợ và bảo vệ nhân đạo thiết yếu.
Bà Nyanti lưu ý rằng, có hơn 2 triệu người ở Nam Sudan phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và việc không có kinh phí khiến những người trong các trại tị nạn có nguy cơ bị bỏ lại trong tình trạng thiếu nước, dịch vụ vệ sinh và y tế.
Cũng theo điều phối viên của LHQ, khoảng 8,9 triệu người ở Nam Sudan cần được hỗ trợ và bảo vệ nhân đạo vào năm 2022. Kế hoạch ứng phó nhân đạo ở nước này đòi hỏi khoản hỗ trợ 1,7 tỷ USD cho 6,8 triệu người với các dịch vụ hỗ trợ và bảo vệ tính mạng. Tuy nhiên, hiện kế hoạch này chỉ được đáp ứng tài chính ở mức 27%.
Hành động cấp thiết
Theo các chuyên gia, ngoài thiên tai, dịch bệnh, tình hình nguy cấp tại vùng Sừng châu Phi càng trở nên trầm trọng do cuộc xung đột tại Ukraine khiến giá lương thực và nhiên liệu tăng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm các khoản viện trợ quốc tế cho khu vực này. Để giảm bớt gánh nặng nghèo đói cho châu Phi, LHQ và các tổ chức quốc tế đã tăng cường viện trợ cho các quốc gia thuộc châu lục.
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), ông Akinwumi Adesina cho biết, ngân hàng này đã dành tổng cộng 1,5 tỷ USD viện trợ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực ở châu Phi. Theo AfDB, kế hoạch này sẽ mang lại lợi ích cho 20 triệu nông dân châu Phi, những người sẽ nhận được các loại hạt giống tốt và công nghệ phù hợp để nhanh chóng sản xuất 38 triệu tấn thực phẩm.
Mới nhất, ngày 21/12, LHQ đã công bố kế hoạch ứng phó nhân đạo trị giá 1,7 tỷ USD cho Nam Sudan vào năm 2023. Bà Nyanti cho biết, kế hoạch này nhằm hỗ trợ cho 6,8 triệu người là nạn nhân của xung đột, các cú sốc khí hậu và mất nhà cửa trên khắp nước này.
Bà Nyanti nhấn mạnh: “Các ưu tiên trước mắt trong năm 2023 bao gồm duy trì khả năng đáp ứng đối với những người có nhu cầu bảo vệ và nhân đạo khẩn cấp, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người già và người khuyết tật. Các đối tác nhân đạo cần được tiếp cận an toàn và không bị cản trở để có thể kịp thời cứu giúp nhiều người. LHQ cũng cần nguồn tài trợ khẩn cấp để ngăn chặn tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi”.
Quan chức LHQ cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác và Chính phủ Nam Sudan trong việc cung cấp các dịch vụ nhân đạo, đồng thời kêu gọi chấm dứt bạo lực để có thể tái thiết đất nước.
Theo FAO, thế giới sẽ không bao giờ có thể thay đổi tình hình nạn đói đang diễn ra ở vùng Sừng châu Phi, nếu không hỗ trợ sinh kế cho người dân khu vực này. FAO cho biết, hơn 24 triệu USD tiền mặt, cùng với hỗ trợ sinh kế, đã được cung cấp cho các cộng đồng nông thôn dễ bị nạn đói nhất ở Somalia. FAO có kế hoạch tiếp cận hơn 1 triệu người trong những tháng tới và vẫn cần thêm các quỹ bổ sung cho hoạt động nhân đạo tại Somalia.
Bên cạnh đó, hiện Mỹ đã thông báo đóng góp thêm 411 triệu USD vào viện trợ khẩn cấp lương thực và các cứu trợ khác cho Somalia, nâng mức đóng góp viện trợ của nước này cho Somalia trong năm nay lên 1,3 tỷ USD.
Dù nhận được nguồn viện trợ quốc tế, nhưng thách thức nghèo đói và thảm họa nhân đạo vẫn nghiêm trọng với các quốc gia châu Phi trong bối cảnh triển vọng kinh tế của khu vực này vẫn u ám. Theo báo cáo “Triển vọng kinh tế châu Phi 2022” mà AfDB công bố, châu Phi có nguy cơ rơi vào chu kỳ tăng trưởng chậm và lạm phát tăng cao do tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 và giá nhiên liệu, lương thực tăng liên quan cuộc xung đột ở Ukraine.