Ngày 24-2, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cùng với đại diện Bộ NN&PTNT họp với các tỉnh An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên đánh giá lại hiệu quả các dự án, công trình được đầu tư ở vùng Tứ giác Long Xuyên đồng thời bàn biện pháp tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ trữ nước ngọt, ngăn mặn phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong đó chú trọng đến sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản, bảo đảm quôc phòng, an ninh.
Ảnh minh họa.
Theo nhận định của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, vùng Tứ giác Long Xuyên có diện tích 489.000 ha là vùng trọng điểm sản xuất lúa bao gồm các tỉnh An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ trong đó An Giang và Kiên Giang là 2 tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa. Tuy vậy, sản xuất của vùng Tứ giác Long Xuyên vẫn tiềm ần nhiều rủi ro và lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân vẫn không cao. Một số công trình nay không còn phù hợp so với thiết kế ban đầu do những năm gần đây, mực nước lũ thấp. Đập Tha La, Trà Sư bằng cao su nay xuất hiện nhiều vết nứt, không đảm bảo cho công tác vận hành phòng chống, điều tiết nước lũ. Bên cạnh đó, một số tuyến đê bao chưa an toàn trong sản xuất vụ Thu Đông. Công tác dự báo, cảnh báo lũ tại vùng TGLX nay không phải là kiểm soát lũ nữa mà là quản lý lũ. Do vậy, việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở vùng TGLX đến 2020 là nhu cầu bức xúc để sản xuất nông nghiệp bền vững.