Thời điểm này, khi miền Trung đang gồng mình chống chọi với cơn bão số 4 thì cũng là lúc người dân các tỉnh phía Bắc đang tập trung huy động nhân lực, vật lực để khắc phục sự tàn phá nặng nề của bão số 3. Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay tái thiết cuộc sống cho người dân vùng rốn lũ và khôi phục sản xuất.
Khẩn trương trở lại nhịp sản xuất
Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50 nghìn tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái… bị chậm lại so với thời điểm trước bão.
Thời điểm này nhiều địa phương đang được đặc biệt ưu tiên nguồn lực và triển khai nhanh việc ổn định đời sống người dân sau bão, lũ. Báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiêm cứu nạn tỉnh Yên Bái đến cuối ngày 19 cho biết, công tác khắc phục bước đầu các công trình cơ sở hạ tầng đã ghi nhận những nỗ lực nhất định.
Công tác khắc phục về giao thông: Đến nay đã đảm bảo giao thông bước 1 của một số tuyến đường trọng yếu, tuyến đường quốc lộ 32, 37, 2D, 32C lưu thông bình thường cho các vùng bị thiệt hại. Công tác đảm bảo thông tin liên lạc: Sự cố đã được khắc phục cơ bản đối với các trạm thu phát sóng và tuyến cáp quang. Có tổng số 18.756 thuê bao Internet bị ảnh hưởng, đã khắc phục được 13.853 thuê bao, còn 4. 953 thuê bao cần khắc phục.
Hệ thống điện đã được cung cấp trở lại cho 98,9% khách hàng (Tổng số khách hàng sử dụng điện sau khi khắc phục ảnh hưởng hiện tại là 250.929/253.831 khách hàng).
Tổng số 35/35 cơ sở y tế đã khắc phục, 100 % cơ sở y tế đã hoạt động trở lại sau bão lũ, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Đến thời điểm hiện tại có 441/442 trường đã cho học sinh đi học trở lại, đạt tỉ lệ 99,7%,.
Các nhà máy thuỷ điện, các doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản, chợ, siêu thị, các hệ thống cửa hàng, kho hàng, nhà hàng, quán ăn, nhà xưởng sản xuất hiện quay lại hoạt động và khắc phục dần những hư hỏng.
Bà Nguyễn Lân (ở đường Trần Hưng Đạo - TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) cho biết: Mưa lũ khiến nước ngập ngang ngực nhưng may mắn nước cũng rút nhanh sau hơn 1 ngày. Thời điểm hiện tại, sinh hoạt của bà cũng như nhiều nhà hàng xóm lân cận đã trở lại bình thường, tuy nhiên việc dọn rửa bùn đất phải mất vài ngày nữa mới xong. “Các vật dụng, đồ dùng sinh hoạt trong nhà khắp nơi dính bùn. Sợ nhất là ổ điện, thiết bị điện ngâm trong nước đến 2,3 hôm nên tôi vẫn chưa dám dùng” – bà Lân cho hay. Vốn là người buôn bán, nên khi thấy lũ rút việc đầu tiên bà Lân thực hiện là sạc điện thoại và thông báo cho người thân quen rằng mình vẫn an toàn trong lũ, sau đó gấp rút gọi các mối buôn để nhập hàng kinh doanh trở lại.
Ghi nhận thực tế tại tỉnh Yên Bái cho thấy, sau khi nước rút, bùn đất ngập đường, tỉnh đã huy động tất cả các loại máy móc, phương tiện và lực lượng công an, quân đội, thanh niên tình nguyện đến giúp người dân dọn bùn đất, khai thông đường suốt ngày đêm để người dân sớm quay lại với nhịp sinh hoạt thường ngày.
Nhìn 400 cây chanh gần 2 năm tuổi bị mưa lũ làm đổ rạp, chị Lâm Thị Hiểu (tổ 1, phường Đội Cấn, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) không khỏi xót xa. Chị Hiểu cho biết: Để gỡ lại phần nào sau thiên tai, gia đình chị đang tập trung làm vệ sinh, sau đó phun thuốc khử trùng. Vài ngày nữa sẽ phải cắt bỏ hết tán cây chanh, dựng lại và thực hiện chăm sóc đặc biệt để phục hồi lại bộ rễ cho cây; hy vọng cây chanh sẽ phục hồi.
Thời điểm này, các DN cũng đang hối hả quay lại nhịp sản xuất, kinh doanh. Tại Công ty TNHH Unico Global YB, Khu Công nghiệp Âu Lâu (tỉnh Yên Bái), sau một tuần gián đoạn sản xuất do ảnh hưởng mưa bão, đến nay, 95% công nhân trong tổng số 1.300 công nhân của đã có mặt tham gia vào các dây chuyền sản xuất với không khí lao động khẩn trương để kịp hoàn thành sản phẩm cho các đơn hàng xuất khẩu. Đại diện DN này cho biết, do chủ động các biện pháp phòng tránh nên công ty không bị ảnh hưởng nên không có thiệt hại gì do mưa lũ. Tuy nhiên, người lao động hiện gặp nhiều khó khăn trong công tác khắc phục sau lũ, đặc biệt là mất nhà, mất tài sản. DN đang tổng hợp các thiệt hại cụ thể của người lao động để Công đoàn công ty có chính sách hỗ trợ giúp người lao động yên tâm sản xuất.
Ông Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết cùng với việc chăm lo chu đáo, đảm bảo cuộc sống trước mắt cho các trường hợp đang phải di dời bởi thiên tai thì phải đảm bảo việc cấp điện, nước sinh hoạt cho người dân; chủ động phối hợp các lực lượng để dọn dẹp vệ sinh, đảm bảo môi trường sau lũ trên cơ sở sử dụng các nguồn nước khác để tiết kiệm nguồn nước máy đảm bảo cho sinh hoạt.
Khắc phục công trình hạ tầng thiết yếu, khôi phục sản xuất nông nghiệp
Sau mưa lũ, công tác khắc phục đang được khẩn trương thực hiện tại nhiều địa phương. Tại Hà Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý cho biết: Hà Giang đã tập trung, huy động tất cả các cấp, các ngành khắc phục hậu quả thiên tai. Nhờ có sự vào cuộc của toàn bộ cộng đồng, cũng như sự hỗ trợ của Trung ương và các địa phương khác, về cơ bản, hiện cuộc sống người dân đã tương đối ổn định.
Bên cạnh đó, địa phương cũng đang nỗ lực sửa chữa, khắc phục công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, công trình giao thông, thủy lợi, hồ đập bị hư hại.
Còn tại Thái Nguyên, để phục hồi sản xuất nông nghiệp, ngay sau khi nước rút, các đơn vị chức năng trong tỉnh hướng dẫn nông dân kịp thời khoanh vùng, tiêu úng nhanh, bảo đảm không để lúa, rau màu bị ngập sâu trong thời gian dài; đồng thời phổ biến các biện pháp kỹ thuật chăm sóc những diện tích lúa, rau màu bị ngập… Và với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nhiều hộ dân ở khu vực Phú Cốc, phường Tân Phú (TP Phổ Yên) đã khẩn trương thu hoạch sớm một số diện tích lúa, ngô…
Ông Nguyễn Tá - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên, khuyến cáo: Các địa phương và bà con nông dân cần khẩn trương tiêu úng, khơi thông các dòng chảy, sử dụng máy bơm để thoát nước nhanh; phân loại diện tích lúa bị ngập úng để có biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời; chú ý tiêu nước đệm trên hệ thống kênh mương, hồ đập...
Còn tại Lào Cai, do chịu ảnh hưởng nặng nề của hoàn lưu bão số 3, UBND tỉnh Lào Cai có tờ trình đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) xem xét, hỗ trợ các loại giống cây trồng để tỉnh kịp thời hỗ trợ nông dân triển khai vụ đông, khôi phục sản xuất sau bão, lũ.
Bên cạnh đó, để bù đắp sản lượng lương thực bị thiệt hại do mưa lũ gây ra, ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai còn xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích trồng cây vụ đông thêm 2.500ha. Diện tích rau vụ đông được phân bổ trồng thêm tại các địa phương gồm: Mường Khương 50ha, Si Ma Cai 50ha, Văn Bàn 100ha, Bảo Yên 100ha, Bát Xát 100ha, TP Lào Cai 50ha...
Tại Tuyên Quang, theo ông Nguyễn Đại Thành - Giám đốc Sở NNPTNT, lũ đã rút dần nhưng nhiều cánh đồng vẫn còn ngập bùn đất. Chính vì vậy, lực lượng cán bộ khuyến nông đã xuống tận nơi để hướng dẫn bà con khắc phục hậu quả. “Sở NNPTNT tỉnh đã triển khai các biện pháp hỗ trợ nông dân như bồi lấp đất, điều chỉnh mực nước, dọn sạch cỏ rác và phun thuốc phòng trừ bệnh. Nông dân đang gấp rút vệ sinh đồng ruộng và gieo trồng lại cây bị gãy, chết. Tuy nhiên, khối lượng công việc còn rất lớn, đòi hỏi sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả” - ông Thành cho biết.