Vươn lên từ vùng đất khó

Văn Hùng 05/09/2016 11:05

Mùa khô năm nay với Tây Nguyên được coi là khốc liệt bậc nhất, bởi hạn hán kéo dài, nhiều con sông dòng suối cạn nước, những vạt rừng khô nỏ; vật nuôi, cây trồng và người dân đều thiếu nước. Nhưng, trong khó khăn, người dân Tây Nguyên vẫn nỗ lực vượt qua.

Trồng hồ tiêu dưới tán rừng, một hướng phát triển sản xuất của bà con Tây Nguyên.

Cây cau ở Đông Trường Sơn

Cây cau đối với một số buôn làng Đông Trường Sơn không còn xa lạ, đem lại lợi ích kinh tế cho bà con. Năm nay, trời làm khô hạn, chính những cây cau ấy đã an ủi họ phần nào.

Tại một số xã Đông Trường Sơn của huyện Kon Plông như Đăk Ring, Đăk Nên, Ngọc Tem tỉnh Kon Tum- cau là một trong những loại cây trồng chính. Tại xã Đăk Ring và Đăk Nên, những vườn cau sai quả. Trên rẫy, trên rừng, cau nằm rải rác lẫn với các vườn mì, vườn keo. Đã từ lâu, Đăk Nên được coi là thủ phủ cau của huyện Kon Plông.

Trước, bà con trồng cau lấy quả để ăn theo thói quen. Tới nay, cau đã trở thành hàng hóa. Thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Kon Plông, toàn huyện có khoảng 170ha cau, riêng xã Đăk Nên có tới 80ha, xã Đăk Ring khoảng 65ha.

Với xã Đăk Nên, kể từ năm 2013, khi lòng hồ thuỷ điện Đăk Đrinh tích nước, một diện tích lớn cau của người dân đã bị chìm trong nước. Hiện nay, nhiều hộ dân cũng đã bắt đầu trồng lại. Tới nay, khi nhiều hộ dân ở Đăk Nên đang còn loay hoay với việc tái sản xuất sau tái định cư thuỷ điện, thì cây cau đang góp phần gỡ khó cho người dân, giúp họ phần nào ổn định cuộc sống. Nhất là khi trời làm khô hạn, cây cau vẫn cho quả, giúp đời sống bà con đỡ khó khăn. Trung bình một cây cau cho thu hoạch 8-10kg/năm, giá bán trung bình 10.000 đồng/kg. Tuy không làm giàu được, nhưng nhờ cây cau mà cuộc sống của bà con cũng ấm no hơn - những hộ trồng cau ở Kon Plong cho biết.

Thành công nhờ Chi hội Phụ nữ

Ở Gia Lai, 5 năm qua, với nhiều hình thức gây quỹ như thành lập các mô hình tổ, nhóm tiết kiệm; phong trào “3 trong 1”, xây dựng Câu lạc bộ “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”…, nhiều chị em đã thoát nghèo, nhất là chị em đồng bào dân tộc thiểu số.

Điển hình là Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 2 (thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông, Gia Lai), nhiều năm qua đã giúp hội viên của mình tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Được biết, để giúp hội viên khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế, chi hội đã thành lập Câu lạc bộ “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”, với 142 thành viên tham gia, quyên góp quỹ được 78 triệu đồng; xây dựng 3 nhóm tiết kiệm được 140 triệu đồng và vận động phong trào “3 trong 1” được 50 triệu đồng. Từ đó đã giúp 75 lượt hội viên, phụ nữ nghèo vay vốn để làm kinh tế. Chi hội còn hướng dẫn hội viên sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, cùng đó là chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nên nhiều người từ đó đã thoát nghèo. Như gia đình bà Bùi Thị Bông, đông con, chồng lại bị tai biến, đời sống rất khó khăn. Từ lúc được vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách hã hội huyện và 10 triệu đồng từ quỹ Câu lạc bộ “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”, bà đã đầu tư trồng cà phê, mỗi năm lãi hơn 60 triệu đồng.

Cũng một phần nhờ vào những hoạt động thiết thực của Chi hội Phụ nữ tổ dân phố mà tỷ lệ hộ nghèo của tổ giảm từ 10% năm 2012 xuống còn 1,5% cuối năm 2015 (còn 5 hộ), hộ cận nghèo còn 4 hộ.

Hỗ trợ để bà con thoát nghèo

Còn tại Đắc Nông, công tác hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đẩy mạnh, nên đã tạo ra nhiều thay đổi tại khu vực này. Năm nay, do ảnh hưởng của hạn hán nên tình hình sản xuất và đời sống của người dân nói chung và đồng bào DTTS nói riêng gặp nhiều khó khăn. Để hỗ trợ, giúp đỡ người dân, tỉnh Đắc Nông đã lắp đặt nhiều máy bơm dã chiến, nạo vét kênh mương, điều tiết nước giữa các hồ chứa phục vụ chống hạn. Cùng đó, tỉnh còn có chủ trương hỗ trợ khoan giếng, cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Theo lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Đắk Mil thì từ đầu năm đến nay, huyện đã hỗ trợ khoảng 2 tấn ngô giống và giống cây ăn trái cho 1.673 hộ dân để phục vụ sản xuất; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 543 hộ nghèo ở các xã Đắk Gằn, Đắk R’la, Đắk N’drót, Thuận An với tổng kinh phí gần 1,7 tỷ đồng.

Năm 2016, Trung ương phân bổ cho tỉnh nguồn vốn thuộc Chương trình 135 giai đoạn III cho Đắc Nông trên 50,3 tỷ đồng. Trong đó, Chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt tập trung cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn được phân bổ gần 12,2 tỷ đồng. Từ đó, UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, buôn bản đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí trên 11,7 tỷ đồng. Ngoài ra, toàn tỉnh đã có trên 1.500 hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất đã giúp cải thiện và nâng cao đời sống.

Hiện toàn tỉnh Đắc Nông còn 27.761 hộ nghèo, chiếm 19,26% so với tổng số hộ; trong đó, hộ nghèo DTTS là 16.590 hộ, chiếm 59,76%. Tuy nhiên, với nhiều biện pháp cụ thể từ phía chính quyền, đời sống của bà con hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS đã ngày một nâng lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vươn lên từ vùng đất khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO