Vượt qua nhiều khó khăn của năm 2017, tất cả 13/13 chỉ tiêu đạt Chính phủ đặt ra đều vượt kế hoạch.
Phía trước là năm 2018. Phát biểu tại phiên họp thường kỳ cuối năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nhận trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, chúng ta quyết tâm cùng nhau siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân; xây dựng một nền công vụ tận tụy, trong sạch, quyết loại trừ tham ô, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ.
Thúc đẩy tái cơ cấu để phát triển nhanh và bền vững trong năm 2018.
Năm 2017 khép lại, kết thúc chặng đường 2 năm của Chính phủ nhiệm kỳ khóa mới. 2 năm đã qua, với 2 dòng chảy dữ dội là thiên tai và nhân tai đã ít nhiều gây khó khăn cho phát triển. Nhưng vượt lên khó khăn, Chính phủ đã cán đích rất ấn tượng với 13/13 chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.
Năm 2017, liên tục quý nào cũng xảy ra thiên tai và đều ở mức độ khốc liệt. Đầu năm, trận rét đậm, rét hại lịch sử trong 60 năm xảy ra ở 14 tỉnh miền núi phía Bắc. Sau đó là đợt hạn lịch sử tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, cùng với đó là hạn, mặn lịch sử chưa từng xảy ra trong vòng 100 năm qua ở đồng bằng sông Cửu Long. Bắt đầu từ đầu tháng 10 cho đến hết năm 2017, liên tục 8 tỉnh Nam Trung Bộ hứng chịu 5 đợt mưa lũ lịch sử với lượng mưa lên đến 2.300mm - 2.700mm.
Vào mùa hè của năm này, sau 15 đợt nắng nóng diện rộng, đặc biệt gay gắt, với mốc nhiệt độ vượt qua nhiều mốc trong lịch sử là những ngày triền miên trong mưa lũ. Từ tháng 6 đến tháng 10, mưa kéo dài, lũ quét, sạt lở đất gây nhiều tang thương cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Tại miền Trung, lũ chồng lũ. Nam Trung Bộ hứng chịu bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua, thiệt hại của riêng cơn bão số 12 có tên Damrey đổ bộ Phú Yên - Khánh Hòa đã lên tới trên 22 nghìn tỷ đồng.
Vào những ngày cuối cùng của năm 2017, người dân Nam Bộ vẫn còn phải nín thở vì siêu bão Tembin, đưa năm này trở thành năm kỷ lục của thiên tai.
Với nhân tai, vào tháng 8 của năm qua, dư luận rúng động vì vụ nổ súng ở Yên Bái: Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đỗ Cường Minh dùng súng quân dụng sát hại Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường và Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái Ngô Ngọc Tuấn. Năm 2017, tỉnh này tiếp tục khiến dư luận xôn xao vì biệt phủ của Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường…
Nhân tai còn đến từ Tập đoàn kinh tế lớn nhất của nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Hàng loạt cán bộ là chủ tịch, tổng giám đốc, ủy viên hội đồng thành viên, cựu lãnh đạo các đơn vị con của PVN qua các thời kỳ lần lượt bị bắt vì liên quan đến những sai phạm nghiêm trọng về quản lý tài chính, đầu tư, tham nhũng… Không chỉ vậy, những vụ án tham nhũng kinh tế lớn được đưa ra xét xử cho thấy “gánh nặng quá khứ” là vô cùng lớn, buộc phải có quyết tâm, dũng cảm để xử lý và vượt qua vì sự nghiêm minh của pháp luật, vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Vậy Chính phủ đã thể hiện bản lĩnh của mình thế nào trước 2 dòng chảy dữ dội này?
Với thiên tai, đó là sự trực tiếp lăn lộn cùng dân của các lãnh đạo Chính phủ. Tháng 9, trong mưa to gió lớn, trực tiếp đi dọc 3 tỉnh miền Trung là nơi tâm bão số 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay ông cảm thấy giảm bớt phần nào nỗi lo vì chính quyền địa phương làm rất tốt công tác tuyên truyền nên suốt dọc đường đi không thấy có người dân nào ra đường. Đương đầu với bão, Chính phủ tỉ mỉ lo cho dân từ những điều tưởng như rất nhỏ, đó là lo cho người dân có nhận thức để ít nhất, họ cũng không ra đường trong bão, biết tự bảo vệ mình. Về trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo “không để dân đói cơm đứt bữa, không để tiêu điều nối tiêu điều”.
Với nhân tai, trước “siêu bão” tại Tập đoàn Dầu khí, năm 2017, Thủ tướng có ít nhất hai cuộc làm việc với Tập đoàn này, để đảm bảo cho sự ổn định hoạt động của PVN và không để xảy ra bất kỳ khủng hoảng nào. Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, Chính phủ thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt làm trong sạch bộ máy.
Không chỉ giải quyết những vụ việc cụ thể, Chính phủ đã và đang thực hiện các giải pháp căn cơ lâu dài để hóa giải thách thức. Đó là cải cách mạnh mẽ thể chế, kiên quyết gỡ bỏ các rào cản, giải phóng các nguồn lực phát triển đất nước; Xốc lại quản lý điều hành của bộ máy công quyền từ trung ương đến địa phương… Thực tế đã chứng minh, với những hành động thực chất, thực tâm, bền bỉ và kiên trì, một lòng vì dân, đồng hành cùng dân, Chính phủ đã và đang đưa đất nước phát triển bình yên đi qua những cơn biến động.
Phát biểu tại phiên họp thường kỳ cuối năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chúng ta cần bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, để Việt Nam không dẫm chân vào bẫy thu nhập trung bình, không bị tụt lại trong cuộc đua tiến đến sự khá giả và phồn vinh. Chúng ta không thể đứng bên lề của sự phát triển. “Nhận trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, chúng ta quyết tâm cùng nhau siết chặt kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân; xây dựng một nền công vụ tận tụy, trong sạch, quyết loại trừ tham ô, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ”- Thủ tướng nói.
Chính phủ hành động, với những con người đầy trách nhiệm, chắc chắn sẽ làm cho đất nước phát triển. Mà với những gì đã vượt qua trong năm 2017, chắc chắn rằng năm 2018 đất nước sẽ có những bước tiến vượt bậc.
Nhận định về những gì đã qua năm 2017, nhiều ý kiến đánh giá rất cao hoạt động của Chính phủ, coi đó là hạt nhân của sự phát triển.
Kinh tế năm 2017 có những bước tiến vượt bậc, nhất là xuất khẩu.
Quyết tâm chính trị rất cao
Theo TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trước khó khăn nội tại của nền kinh tế, trong hai năm 2016 và 2017, Thủ tướng đã có quyết tâm chính trị rất cao là phải hoàn thành nhiệm vụ, dù mục tiêu đặt ra cũng không phải thấp, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng GDP. Phải đánh giá cao quyết tâm này, nếu người đứng đầu rụt rè, chần chừ thì không thể đạt được mục tiêu GDP và như thế nhiều mục tiêu khác cũng không đạt được.
Trong điều hành, Thủ tướng đã điều hành vừa theo chiều rộng, vừa chỉ đạo điểm. Diện rộng là cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Chỉ đạo điểm là nhìn nhận vào những ngành nào, địa phương nào, doanh nghiệp nào có tiềm năng tăng trưởng thì trực tiếp chỉ đạo, huy động hết tiềm năng. Việc cải thiện môi trường kinh doanh cũng bắt đầu chú ý tới những vướng mắc cụ thể của các văn bản, sự chần chừ, trì trệ hay trì hoãn của một vài Bộ, chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy, triển khai.
Tức là vừa đẩy, vừa kéo.Vì thế, các ngành tăng trưởng tương đối đều nhưng có những ngành, những dự án đưa vào vận hành sớm hơn, khai thác tốt hơn tiềm năng. Cùng với đó, Chính phủ cũng không quên tái cơ cấu nền kinh tế, dù cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh chính là nền tảng quan trọng nhất của tái cơ cấu.
Đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng đã sử dụng rất nhiều các báo cáo độc lập của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), CIEM làm tài liệu tham khảo và ra quyết định. Có những quyết định rất cụ thể, như phải bỏ cho được từ 1/3 đến 1/2 điều kiện kinh doanh hiện có, bỏ 1/2 số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan. “Phải nói rằng năm 2016, những người như tôi rất lo lắng khi Thủ tướng hành động rất mạnh nhưng ở dưới chậm chuyển động. Nhưng sang năm 2017, có thể thấy các Bộ trưởng đã thấm thía, có chuyển biến rõ nét, không chỉ ở một bộ”- ông Cung nói.
Chính phủ hành động, với những con người đầy trách nhiệm, chắc chắn sẽ làm cho đất nước phát triển. Mà với những gì đã vượt qua trong năm 2017, chắc chắn rằng năm 2018 đất nước sẽ có những bước tiến vượt bậc. Phải nói rằng năm 2016, những người như tôi rất lo lắng khi Thủ tướng hành động rất mạnh nhưng ở dưới chậm chuyển động. Nhưng sang năm 2017, có thể thấy các Bộ trưởng đã thấm thía, có chuyển biến rõ nét, không chỉ ở một bộ- TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét. |
Điều hành có trọng tâm, trọng điểm rõ ràng
Với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, điểm khác biệt rõ rệt nhất trong điều hành của năm 2017 là Chính phủ đã tập trung cao vào một số trọng điểm, trọng tâm, tức là điều hành đã có trọng tâm, trọng điểm rõ ràng hơn. Doanh nghiệp, người dân thấy Thủ tướng hết sức tâm huyết với công việc, có quyết tâm cao, xông vào tận “chiến trường” xử lý cụ thể, quyết định nhanh, không e ngại các vấn đề nóng, không sợ mất lòng một số “quan”.
Như tại Hội nghị với doanh nghiệp hồi tháng 5, sau khi nghe bức xúc của nhiều doanh nghiệp, Thủ tướng đã ban hành ngay Chỉ thị 20 chấn chỉnh việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp với yêu cầu thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không quá 1 lần 1 năm. Trong điều hành, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng cũng đã chú trọng lắng nghe tiếng nói từ thực tiễn, ý kiến của người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia.
Tôi cũng mong trong một vài năm tới, Chính phủ, Thủ tướng sẽ dành thời gian tập trung chỉ đạo thực hiện những việc mang tính chất trung hạn, dài hạn hơn. Rất cần tập trung tối đa cho việc cải cách thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh một cách cơ bản (như thực hiện bằng được Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp), đổi mới mạnh giáo dục và công nghệ, nhằm tạo nền tảng để phát triển với tốc độ cao và bền vững trong những năm sau 2020.
“Tôi cũng cho rằng Chính phủ cần thúc đẩy, tăng chế tài đối với các bộ ngành, địa phương để tăng cường trách nhiệm, tính năng động, chủ động, tính kỷ luật của các cơ quan này. Tập trung vào những khâu yếu trong hệ thống để cải cách, thúc đẩy tính hiệu lực, hiệu quả và kỷ cương của bộ máy nhà nước là việc không thể để chậm trễ nữa, vì chính bộ máy này trong nhiều trường hợp đang cản trở sự phát triển của nước ta”- bà Lan nói.