Dù chịu ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19, nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh Bình Dương vẫn có nhiều “điểm sáng”, với có 21/32 chỉ tiêu quan trọng đạt và vượt kế hoạch. Đó là đánh giá được lãnh đạo tỉnh Bình Dương đưa ra tại buổi họp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 vừa được UBND tỉnh này tổ chức ngày 14/1.
Theo ông Nguyễn Tầm Dương, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) Bình Dương năm qua tăng 2,62% so với cùng kỳ, công nghiệp - dịch vụ tiếp tục là các ngành chủ đạo, chiếm 89,23% tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 3,4% so với cùng kỳ, GRDP bình quân đầu người ước đạt 153,6 triệu đồng/năm…
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 32,5 tỷ USD (tăng 17,1%), tổng thu ngân sách đạt khoảng 66.788 tỷ đồng (đạt 114% dự toán), thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 2,7 tỷ USD. Các công tác an sinh, phúc lợi xã hội và các lĩnh vực xã hội khác được bảo đảm, đời sống người dân tương đối ổn định.
Đề cập đến công tác chăm lo Tết cho người dân, bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh cho biết, tỉnh sẽ chi hơn 229 tỉ đồng chăm lo cho người dân. Cụ thể tổng dự toán kinh phí tạm tính chi hỗ trợ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 của tỉnh là 229,265 triệu đồng, tăng 7% so thực hiện năm 2021 (mức chi cao nhất là 5 triệu đồng/người và thấp nhất là 500.000 đồng/người).
Đối với người có công với cách mạng, dự kiến chi hỗ trợ cho trên 27 ngàn lượt đối tượng, với tổng kinh phí khoảng gần 43 tỷ đồng, trong đó mức quà cao nhất là 4 triệu đồng/đối tượng, thấp nhất là 1.300.000 đồng/đối tượng.
Cán bộ công chức (CBCC) và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã hưởng lương, phụ cấp, mức chi 2.000.000 đồng/người. Đối tượng bảo hiểm xã hội khoảng 33.519 người, với tổng kinh phí trên 58 tỷ đồng. Quà tặng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dự kiến 3.300 trường hợp, với tổng số tiền 3,3 tỷ đồng, mức chi 1 triệu đồng/người.
Đặc biệt, tỉnh Bình Dương dự kiến chi hỗ trợ 5.785 trường hợp, với tổng số tiền gần 8,7 tỷ đồng, mức chi 1,5 triệu đồng/người, chi hỗ trợ 30.587 trường hợp, với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng (mức chi 700.000 đồng/người.
Hỗ trợ công nhân lao động nghèo xa quê có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không đủ điều kiện về quê ăn tết với tổng số tiền gần 6 tỷ đồng, mức chi là 500.000 đồng/suất.
Công nhân trực tiếp làm công tác vệ sinh, thu gom rác trong những ngày nghỉ Tết dự kiến 167 người, với tổng kinh phí 835 triệu đồng, mức chi 5.000.000 đồng/người.
Hỗ trợ người phục vụ trong các khu điều trị Covid-19 tập trung (F0) và khu cách ly tập trung Covid-19 (F1) cho 685 người, với tổng số tiền là gần 1,4 tỷ đồng, mức chi hỗ trợ là 2.000.000 đồng/người.
Trong dịp này đoàn Lãnh đạo của tỉnh cùng các Lãnh đạo Sở, ngành và ủy quyền cho lãnh đạo cấp huyện đến tận nhà để thăm, tặng quà và chúc Tết cho 360 người có công tiêu biểu thường xuyên đau ốm, bệnh tật do tuổi cao, sức khỏe yếu, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng, mức quà là 3 triệu đồng/suất.
Cũng theo đại diện Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 2.117 doanh nghiệp đăng ký mức lương, thưởng Tết Nhâm Dần 2022. Mức thưởng tết cao nhất là 627 triệu đồng, thấp nhất 4,42 triệu đồng, bình quân là 7,79 triệu đồng/người. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn tặng quà tết cho người lao động bằng hiện vật. Con số này cho thấy, mức thưởng tết năm nay cao hơn nhiều so với năm 2021.
Tuy nhiên, Bà Trương Thị Bích Hạnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho rằng, đời sống công nhân lao động còn gặp nhiều khó khăn sau dịch bệnh. Số doanh nghiệp đăng ký công bố mức lương, thưởng cuối năm còn rất hạn chế so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn. Đây chỉ là số doanh nghiệp hoạt động tốt sản xuất trong năm, ít gặp khó khăn về dịch bệnh. Trên địa bàn hiện còn rất nhiều doanh nghiệp gặp khó, thậm chí không có tiền thưởng tết cho người lao động. “Vì vậy, các cấp công đoàn, chính quyền địa phương, doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến đời sống người lao động”, bà Hạnh lưu ý.
Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan truyền thông đã đưa ra nhiều câu hỏi mà người dân, công nhân lao động đang sinh sống, làm việc trên địa bàn đang quan tâm như: vấn đề tiền lương, thưởng tết cuối năm; việc tăng học phí ở Trường Đại học Thủ Dầu Một, xử lý nghiêm các dự án bất động sản sai phép; an ninh trật tự trong dịp cuối năm, ngày tết; việc cải cách thủ tục hành chính, đăng ký giải quyết thủ tục hành chính qua Internet đang gặp nhiều khó khăn, gây phiền hà cho dân...
Tất cả vấn đề trên được lãnh đạo tỉnh, các Sở, ngành giải trình, cũng như ghi nhận để giải quyết nhanh, triệt để trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá “Do ảnh hưởng nặng dịch bệnh Covid-19, nên một số chỉ tiêu về kinh tế không đạt so với đề ra trước đó. Mặc dù vậy, vẫn có những chỉ số đạt cao so với các tỉnh, thành trong khu vực. Đây là sự nỗ lực rất lớn từ lãnh đạo các cấp đến người dân trên toàn tỉnh trong một năm.
Đặc biệt, công tác an sinh xã hội, tỉnh đã chi hỗ trợ hơn 1 triệu lao động trong thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh; đây là sự nỗ lực rất của các cấp, các ngành, cũng như sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông là rất lớn. Công tác tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp đã được tỉnh thực hiện tốt, đẩy nhanh phục hồi kinh tế sau dịch bệnh”.