Vượt qua lực cản

Thế Tuấn 08/10/2022 07:00

Để đảm bảo mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 2 nhóm giải pháp triển khai kế hoạch đầu tư công những tháng còn lại của năm 2022 gồm: rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách; tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời Chính phủ phê bình đích danh đơn vị giải ngân chậm, kỷ luật người đứng đầu đơn vị liên quan; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 95 - 100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương. Giải ngân tối thiểu 50% vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao trong năm 2022. Theo đó, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 được Quốc hội quyết nghị tại các Nghị quyết của Quốc hội là 526.105,895 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 222.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 304.105,895 tỷ đồng.

Còn nếu tính cả 16.000 tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 là 542.105,895 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/8/2022, tổng vốn ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân là gần 508.000 tỷ đồng, đạt 93,7% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó vốn trong nước đạt 93,4% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 98,8% kế hoạch.

Như vậy, vốn Chính phủ giao là kịp thời, chậm là ở phần triển khai giải ngân của các bộ ngành, địa phương.

Tính đến thời điểm này, tiến độ giải ngân đã khá hơn trước. Tuy nhiên thời gian còn lại của năm 2022 không nhiều, nếu không siết chặt kỷ luật kỷ cương, thúc đẩy tiến độ giải ngân thì không ít bộ ngành, địa phương sẽ lỗi hẹn khi mà những lực cản vẫn còn đó.

Nhiều nguyên nhân được đưa ra biện minh cho việc giải ngân vốn đầu tư chậm. Nhưng tại sao cùng điều kiện như nhau nơi này giải ngân nhanh, nơi khác lại chậm? Chính vì thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng đề nghị Chính phủ có chế tài xử lý nghiêm khắc với tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực. Kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Nút thắt trong giải ngân vốn đầu tư công có thể là phân bổ vốn, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là tinh thần trách nhiệm khi mà cả chục ngàn tỷ đồng “nằm kho” vì cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai.

Theo ông Nguyễn Tạo (đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng), tình trạng "có tiền mà không tiêu được" là vô lý. Ông Tạo cho rằng cùng với những “nút thắt” khác thì đấu thầu, đấu giá cũng là “nút thắt”. Trong đấu thầu, nhiều cơ quan có tâm lý ngại, không dám mua sắm. Thậm chí có tình trạng là mời cả các thành phần không phải trong hội đồng thẩm định giá (các cơ quan tố tụng như kiểm sát, công an...) đến dự. Đó chính là việc sợ trách nhiệm, làm hỏng việc chung.

Cùng về vấn đề này, ông Tạ Văn Hạ (đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu) cho rằng vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ đã tồn tại nhiều năm, như "căn bệnh trầm kha" nhưng vẫn chưa có "thuốc giải" hữu hiệu, do chưa thực thi nghiêm túc. Theo ông Hạ, giải ngân vốn đầu tư công chậm có yếu tố khách quan nhưng yếu tố chủ quan, chủ yếu là do con người và khâu tổ chức thực hiện là nguyên nhân chính. Thận trọng nhưng sợ trách nhiệm, thiếu quyết đoán sẽ làm ảnh hưởng tiến độ dự án. “Cần chọn cán bộ dám nghĩ dám làm. Nếu người đã không có đủ bản lĩnh, sợ trách nhiệm thì đó không phải là tố chất, tiêu chuẩn của người lãnh đạo” - ông Hạ nói.

Đất nước còn nghèo, ngân sách còn eo hẹp, vì thế chậm giải ngân vốn đầu tư công ngày nào là lãng phí tiền bạc của Dân, của Nước ngày đó. Chính vì thế, Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục đôn đốc phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ngày 2/5/2022, Thủ tướng đã ký quyết định thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Hy vọng bằng những biện pháp cụ thể - trong đó có việc thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực - để nguồn vốn từ ngân sách nhà nước trong lĩnh vực đầu tư công vượt qua những lực cản, sớm phát huy hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vượt qua lực cản