Xuất khẩu vào Hoa Kỳ bằng chính công nghệ và nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Hoa Kỳ, gắn với xây dựng chuỗi cung ứng khép kín sẽ là bước đi chắc chắn, nhanh và hiệu quả nhất cho doanh nghiệp.
Xuất khẩu thủy sản vào thị trường Hoa Kỳ.
Quan điểm trên được Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nêu ra trong Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ 2019 với chủ đề “Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu – Cơ hội thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư song phương”, tổ chức ngày 6/9, tại TPHCM.
Tận dụng cơ hội
Bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành Amcham Việt Nam cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm nguồn cung nhiều hơn ở Việt Nam để bù lại sự thiếu hụt ở thị trường Trung Quốc. Với tác động của chiến tranh thương mại, quy trình sản xuất, chuỗi sản xuất trên thế giới bị ảnh hưởng nặng và có thể chuyển dịch sang Việt Nam. Liên quan đến cơ hội thương mại với Hoa Kỳ, ông Trương Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trong bối cảnh xung đột thương mại hiện nay, một nước thứ 3 như Việt Nam sẽ có nhiều tác động. Việt Nam có thể khai thác lỗ hổng thương mại, khai thác dịch chuyển đầu tư.
Đồng quan điểm về những cơ hội tốt để phát triển thương mại song phương với Hoa Kỳ, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thắng Hải khẳng định, căng thẳng diễn ra trong hệ thống thương mại toàn cầu thời gian gần đây đặt các quốc gia đứng trước nhiều thách thức, song cũng xuất hiện nhiều cơ hội thuận lợi.
Thứ trưởng Bộ Công thương lý giải, xung đột thương mại toàn cầu đã buộc các tập đoàn quốc tế lớn, trong đó có các tập đoàn của Hoa Kỳ phải xem xét lại chiến lược nguồn cung. Vì vậy, nhiều quốc gia có năng lực cung ứng tốt có cơ hội tự nhiên để mở rộng đầu tư, sản xuất và xuất khẩu, DN Việt Nam nên tận dụng cơ hội này để thâm nhập thị trường Hoa Kỳ tốt hơn. Dựa trên nhu cầu thực tế cho thấy, Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu lớn các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh dựa trên điều kiện kinh tế tự nhiên thuận lợi. Bên cạnh đó là những sản phẩm có lợi thế về nhân công trong nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày, máy móc, thiết bị điện tử.
Trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là đối tác kinh tế - thương mại hàng đầu của Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2018 Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 47,5 tỷ USD, tăng 14,2%, chiếm hơn 20% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Bộ Công thương cũng chỉ rõ, kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ có hiệu lực kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ liên tục tăng trưởng ổn định và ở mức cao. Kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều từ 220 triệu USD năm 1994 tăng lên 58,8 tỷ USD vào cuối năm 2018.
Đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng
Kỳ vọng rất nhiều vào thị trường khó tính như Hoa Kỳ, ông Đỗ Thắng Hải liệt kê một số điểm yếu đòi hỏi DN khắc phục. Khó khăn đối với xuất khẩu của Việt Nam hiện nay là sự hiểu biết về hệ thống pháp luật các cấp của Hoa Kỳ, xu hướng tăng cường bảo hộ thông qua việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn mới về chất lượng, ATTP, nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông - lâm - thủy sản. Điều đáng quan ngại hơn hẳn chính là cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chưa có nhiều chuyển đổi. Thậm chí, chưa có nhiều sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao, sản phẩm tiêu dùng cao cấp trong cơ cấu xuất khẩu vào thị trường khó tính này.
Lo lắng về những khó khăn buộc phải vượt qua để xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, ông Phạm Hồng Hưng – Giám đốc Công ty cổ phần cơ khí Thăng Long chia sẻ: “Mặc dù xuất khẩu chính vào thị trường Nhật Bản nhưng thời gian gần đây DN có nhận được một số đơn đặt hàng từ Hoa Kỳ. Nhận được đơn hàng từ đối tác của thị trường khó tính DN vui nhưng lại lo. Lo vì điều kiện xuất hàng sang Mỹ rất khó khăn. Cụ thể, họ đánh giá rất cao tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội đối với DN, người lao động. Trong khi đó, việc dịch chuyển đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam nên DN đang bị áp lực về lao động buộc phải làm tăng ca, tăng giờ.
Để xuất khẩu vào Hoa Kỳ hiệu quả, ông Đỗ Thắng Hải kêu gọi, DN chủ động nghiên cứu nhập khẩu từ Hoa Kỳ các hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ cao phù hợp phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Sản xuất, xuất khẩu đi Hoa Kỳ bằng chính công nghệ và nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Hoa Kỳ, gắn với xây dựng chuỗi cung ứng khép kín sẽ là bước đi chắc chắn, nhanh và hiệu quả nhất cho DN.