Ngày 6/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với Covid-19 hơn 3 năm sau tuyên bố ban đầu và cho biết, các quốc gia hiện nên quản lý loại virus đã giết chết hơn 6,9 triệu người cùng với các bệnh truyền nhiễm khác.
Chấm dứt tình trạng khẩn cấp
Ủy ban Khẩn cấp của WHO đã họp vào ngày 5/5 (giờ địa phương) và khuyến nghị WHO tuyên bố chấm dứt cuộc khủng hoảng do virus Corona gây ra là "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế" - mức cảnh báo cao nhất - được áp dụng kể từ ngày 30/1/2020.
Dù tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, nhưng Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lưu ý rằng, điều này không có nghĩa là Covid-19 không còn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu.
Trong cuộc họp báo để thông báo với báo chí về quyết định này, một số thành viên của WHO đã xúc động khi họ kêu gọi các quốc gia suy ngẫm về những bài học kinh nghiệm trong đại dịch.
Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19, bà Maria Van Kerkhove cho biết: "Chúng ta không thể quên những giàn thiêu đó. Chúng ta không thể quên những ngôi mộ đã được đào. Không ai trong chúng ta ở đây sẽ quên chúng".
Theo dữ liệu của WHO, tỷ lệ tử vong do Covid-19 đã chậm lại từ mức cao nhất là hơn 100.000 người mỗi tuần vào tháng 1/2021 xuống chỉ còn hơn 3.500 trong tuần tính đến ngày 24/4/2023. Điều này phản ánh việc tiêm chủng rộng rãi, khả năng điều trị tốt hơn và mức độ dân số được miễn dịch từ những lần nhiễm trùng trước đó.
Kết thúc tình trạng khẩn cấp có nghĩa là các nỗ lực hợp tác hoặc tài trợ quốc tế cũng chấm dứt hoặc chuyển trọng tâm, mặc dù nhiều người đã thích nghi khi đại dịch rút đi ở các khu vực khác nhau.
"Trận chiến vẫn chưa kết thúc. Chúng ta vẫn còn những điểm yếu và những điểm yếu mà chúng ta vẫn có trong hệ thống của mình sẽ bị virus này hoặc virus khác phơi bày. Và nó cần phải được khắc phục", Giám đốc khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan cho biết.
WHO không tuyên bố sự bắt đầu hay kết thúc của đại dịch, mặc dù tổ chức này đã bắt đầu sử dụng thuật ngữ cho Covid-19 vào tháng 3/2020. Bởi theo ông Ryan, trong hầu hết các trường hợp, đại dịch chỉ thực sự kết thúc khi đại dịch tiếp theo bắt đầu.
Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho biết đại dịch đã qua. Giống như một số quốc gia khác, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bắt đầu dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trong nước đối với Covid-19, chính thức kết thúc vào ngày 11/5 năm nay, nghĩa là họ sẽ ngừng miễn phí vaccine và xét nghiệm cho nhiều người và chuyển trách nhiệm sang thị trường thương mại.
Liên minh châu Âu (EU) cũng cho biết vào tháng 4 năm ngoái rằng, giai đoạn khẩn cấp của đại dịch đã kết thúc và các khu vực khác cũng đã thực hiện các bước tương tự.
Vấn đề sức khỏe cộng đồng
Tuyên bố của WHO được đưa ra chỉ 4 tháng sau khi Trung Quốc chấm dứt các hạn chế kéo dài đối với Covid-19. Quyết định này cũng cho thấy các cố vấn của WHO tin rằng, một biến thể virus corona mới nguy hiểm hơn khó có thể xuất hiện trong những tháng tới, mặc dù loại virus này vẫn không thể đoán trước.
"Tôi sẽ không ngần ngại triệu tập một ủy ban khẩn cấp khác nếu Covid-19 một lần nữa khiến thế giới của chúng ta gặp nguy hiểm", ông Tedros nói.
Ở nhiều nơi trên thế giới, việc xét nghiệm đã giảm đi đáng kể và phần lớn mọi người đã ngừng đeo khẩu trang. Ở một số quốc gia, quy định đeo khẩu trang đã được nối lại trong thời gian bùng phát dịch Covid-19. WHO đã công bố một kế hoạch trong tuần này để tư vấn cho các quốc gia về cách chung sống lâu dài với Covid-19.
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết, Covid-19 sẽ tiếp tục thách thức các hệ thống y tế trên toàn thế giới trong thời gian dài. Ông Mark Woolhouse, nhà dịch tễ học tại Đại học Edinburgh, cho biết: “Không ai nên chủ quan khi coi Covid-19 không còn là vấn đề nữa. Đây vẫn là một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng và có vẻ như sẽ vẫn là một vấn đề trong tương lai gần".