Bị rắn cắn vốn là nỗi sợ hãi của rất nhiều người, nhưng ít ai nghĩ rằng nó giờ đã biến thành một cuộc khủng hoảng y tế cướp đi sinh mạng của hơn 200 người mỗi ngày trên phạm vi toàn cầu và khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải phát động hẳn một chiến dịch ngăn chặn.
Phương pháp trích nọc rắn để chế thuốc chống độc đã có từ thế kỷ thứ 19. Ảnh: CNN.
Những con số đáng ngại
Anh Pinyo Pookpinyo, một lính cứu hỏa Thái Lan, thường nói rằng anh là người rất may mắn. Khi ngón tay cái của anh bị một con hổ mang chúa cắn phải, anh đã được chuyển tới bệnh viện Bangkok chỉ trong vòng 15 phút. Tại đây, anh được truyền huyết thanh để ngăn chặn thứ độc chất chết người ngấm sâu vào hệ thần kinh.
“Vị bác sỹ lúc đầu còn không tin tôi bị hổ mang chúa cắn. Tôi phải nói với ông ấy rằng tôi là một người chuyên giảng dạy về rắn, tôi rất giỏi nhận diện các loài rắn” – Pinyo kể lại – “Vụ việc khiến tôi phải điều trị tới 2 tháng liền. Tôi phải trở lại bệnh viện tới 2 lần để phẫu thuật gỡ bỏ các tế bào chết từ ngón tay cái”.
Nhưng không phải mọi nạn nhân bị rắn cắn cũng may mắn còn sống khi được chuyển tới bệnh viện, và không phải ai cũng có kiến thức chuyên môn về rắn như anh Pinyo. Đối với họ, một bước đi lơ đễnh vào nhầm chỗ, nhầm thời điểm cũng có thể khiến họ mất mạng.
Những vết rắn cắn cướp đi sinh mạng của khoảng 81.000 – 138.000 người, và khiến 400.000 người khác bị thương tật mỗi năm. Cuộc khủng hoảng này càng trầm trọng hơn khi thế giới thiếu nguồn cung chất chống độc rắn, đặc biệt là ở những khu vực nông thôn như vùng cận-Sahara (châu Phi) hay châu Á – những khu vực có rất ít cơ sở chăm sóc y tế và điều kiện di chuyển khó khăn.
Theo Quỹ Wellcome Trust, một tổ chức từ thiện của Anh, các vết rắn cắn còn gây ra nhiều cái chết và thương tật hơn bất kỳ loại bệnh nhiệt đới nào. “Bị rắn cắn đáng lẽ ra là có thể được điều trị dễ dàng” – Giáo sư Mike Turner, Giám đốc Khoa học của Wellcome, nói – “Người ta thường xuyên chịu những vết cắn của rắn độc, nhưng không có lý do gì mà khiến nhiều người chết đến vậy”.
Đánh giá trên cũng nhận được sự đồng thuận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hồi cuối tuần này, WHO đã khởi động một chiến dịch mới nhằm đối phó với vấn đề rắn cắn, một vấn đề mà các nhà hoạt động trong chiến dịch mô tả là cuộc khủng hoảng y tế giấu mặt lớn nhất của thế giới.
Chiến dịch của WHO hướng đến mục tiêu giảm 50% số lượng người chết và thương tật do rắn cắn vào năm 2030, đầu tư khoản tiền 136 triệu USD vào việc tuyên truyền thông tin cho người dân, đưa ra các liệu pháp điều trị hữu hiệu hơn và cải thiện các hệ thống chăm sóc y tế.
Thế giới thiếu thuốc chống độc
Các nhà khoa học tin rằng thế giới cần có hướng tiếp cận mới để sản xuất ra các loại chất chống độc rắn hữu hiệu hơn, rẻ hơn và an toàn hơn. Được biết, phương pháp chống độc rắn được áp dụng hiện nay đã có từ thế kỷ thứ 19: Nọc rắn được trích xuất từ một cá thể rắn sau đó được tiêm vào một con ngựa hay loài động vật khác với liều lượng cực nhỏ để làm sản sinh chất miễn dịch. Máu của con vật được tiêm sau đó được rút ra, trích xuất lấy kháng thể. Thứ kháng thể này được sử dụng như chất chống độc rắn.
“Nên lưu ý rằng nó xuất phát từ một con ngựa, và việc tiêm các chất protein của ngựa vào người tiềm ẩn nhiều rủi ro. Có tỷ lệ cao sẽ xảy ra phản ứng có hại: Nhẹ thì mẩn ngứa, còn nặng hơn có thể gây ra phản ứng phòng vệ” – Phil Price, nhà khoa học hàng đầu của Wellcome, cho hay – “Các loại chất chống độc rắn còn lâu mới hoàn thiện. Phần lớn chưa được thử nghiệm như các loại thuốc thông thường”.
Ngoài ra thì việc nghiên cứu chất chống độc rắn không mang lại lợi nhuận cho các công ty dược phẩm. Vào năm 2010, Hãng Sanofi Pasteur đã ngừng sản xuất chất chống độc FAV-Afrique dù hữu hiệu trong việc điều trị vết thương do một số loại rắn độc ở châu Phi gây ra.
Theo Wellcome, thế giới hiện chỉ có một nửa số chất chống độc rắn cần có. Tuy nhiên, các chất chống độc sẵn có ở một số nơi lại không hữu hiệu khi mang tới nơi khác sử dụng, bởi chúng chỉ có tác dụng với một số loại độc rắn nhất định ở địa phương. Ví dụ điển hình nhất là ở châu Phi, nơi có tới 90% lượng chất chống độc được cho là không có tác dụng. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ các cơ sở y tế, bởi vậy họ tìm tới các thầy thuốc bản xứ thay vì đến bệnh viện.
Nhưng dù chất chống độc có sẵn có thì giá của chúng cũng rất cao đối với cộng đồng người dân nghèo. Trung bình một liều chống độc rắn có giá khoảng 160 USD, và liệu trình điều trị toàn bộ cần tới nhiều liều chống độc như vậy.