Washington đã khởi xướng trở lại cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vào năm 2018 bằng cách áp dụng mức thuế cao đối với một số nhóm hàng hóa của Trung Quốc do Bắc Kinh bị cáo buộc lạm dụng các thỏa thuận thương mại hiện tại giữa hai nước đối với chi phí của Mỹ.
Phán quyết của WTO
Ngày 15/9, Ủy ban chuyên gia, do Cơ quan Giải quyết tranh chấp của WTO thành lập ra phán quyết rằng Mỹ đã vi phạm các quy tắc thương mại của tổ chức này bằng cách áp dụng mức thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc và sử dụng nó như một phần của cuộc chiến thương mại chống lại quốc gia châu Á.
WTO yêu cầu Mỹ điều chỉnh thuế quan phù hợp với các nghĩa vụ của nước này với tư cách là thành viên của WTO.
Cụ thể, phán quyết cho rằng, các mức thuế mà Mỹ áp đặt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2018, trị giá 400 tỷ USD, là "không phù hợp" với các quy định thương mại toàn cầu.
Phán quyết của WTO cũng nêu rõ, các hành động của Washington không chỉ đi ngược lại các quy định do WTO đặt ra, mà Mỹ còn không biện minh đầy đủ cho các biện pháp kinh tế áp đặt đối với Bắc Kinh, theo quy tắc của tổ chức này. Mỹ đã không sử dụng cơ chế Giải quyết Tranh chấp để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ thương mại với Trung Quốc.
"Điều 3.7 Quy tắc giải quyết tranh chấp trong WTO (DSU) nhấn mạnh, mục đích của quy tắc là đạt được một giải pháp tích cực cho tranh chấp, Ban Hội thẩm huyến khích các bên nỗ lực theo đuổi quy tắc này hơn nữa để đạt được một giải pháp thỏa đáng cho cả hai bên", trích phán quyết.
Sau khi phán quyết của WTO được công bố, Bắc Kinh bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ tôn trọng các khuyến nghị của mình và quay trở lại tuân thủ các quy định của WTO.
Tuy nhiên, dù phán quyết trên ủng hộ các khiếu nại của Trung Quốc, Washington có thể phủ quyết quyết định này bằng cách đưa ra kháng cáo trong vòng 60 ngày tới.
Trong một phản ứng đầu tiên, Mỹ đã tuyên bố phán quyết trên là không công bằng và WTO đã thiên vị Trung Quốc. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nêu rõ, Mỹ "phải được quyền tự vệ trước những quy tắc thương mại không công bằng và chính quyền của Tổng thống Trump sẽ không để Trung Quốc lợi dụng WTO để có lợi thế hơn công nhân, doanh nghiệp, nông dân và chủ trang trại Mỹ."
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung
Trong quá khứ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần cáo buộc WTO đối xử "không công bằng" với Mỹ trong các cơ chế giải quyết tranh chấp. Về mặt lý thuyết, Washington có quyền khiếu nại phán quyết của WTO về thuế quan đối với Trung Quốc, điều này cho phép Bắc Kinh đáp trả hợp pháp bằng hình thức áp thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Nhưng trên thực tế, Mỹ không thể thấy thủ tục kháng cáo được hoàn tất vì những hành động trong quá khứ của chính họ đã khiến tòa phúc thẩm của WTO không còn hoạt động do thiếu thẩm phán được Washington chấp thuận.
Cách đây 2 năm, EU và Trung Quốc đã từng chỉ trích Mỹ vì “phá hoại” Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bằng cách từ chối cho phép bổ nhiệm Cơ quan Phúc thẩm, Tòa án của tổ chức, trong bối cảnh mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung bắt đầu gia tăng.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nước Mỹ - Trung Quốc bắt đầu trở lại vào năm 2018 theo khởi xướng của Washington. Theo đó, Washington cáo buộc Bắc Kinh lạm dụng các thỏa thuận thương mại hiện tại để trục lợi đối với chi phí của Mỹ, đồng thời đưa ra mức thuế khổng lồ đối với thép và nhôm của Trung Quốc.
Danh sách các mặt hàng bị ảnh hưởng được mở rộng kể từ đó, bao gồm khoảng 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2020.
Bắc Kinh đã bác bỏ mạnh mẽ các cáo buộc của Washington và liên tục đưa ra các mức thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ có giá trị tương đương để đáp trả.
Năm 2019, các bên đã ký cái gọi là thỏa thuận Giai đoạn Một, được cho là sẽ trở thành bước đầu tiên hướng tới bình thường hóa quan hệ thương mại của hai nước. Tuy nhiên, quan hệ giữa hai bên lại trở nên xấu đi một lần nữa sau khi Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc phát tán dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu- một cáo buộc khác bị Bắc Kinh bác bỏ.