Xã làm sai, dân chịu thiệt

Đức Sơn - Công Tâm 08/11/2015 07:15

Nhiều bản hợp đồng đã được một cán bộ địa chính xã Ngọc Liên (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) tự ý thuê người viết lại làm thay đổi bản chất sự vụ từ “chuyển đổi” sang “chuyển nhượng” đất đai. Cùng với đó, sự khuất tất, cách làm việc thiếu trách nhiệm của một số cán bộ xã đã khiến người dân địa phương mất đi quyền lợi hợp pháp của mình. Bức xúc, người dân khiếu kiện kéo dài, nhưng lạ thay đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ một câu trả lời nào từ cơ quan chức năng địa phương.

Phần lớn diện tích trồng chuối là sai mục đích sử dụng đất.

Bỗng dưng mất đất

Thời gian qua, người dân 4 thôn Mỹ Vọng, Mỹ Hảo, Ngọc Trục, Cẩm Trục… của xã Ngọc Liên liên tục gửi đơn thư tố cáo đến các cơ quan chức năng để tố cáo nhiều hành vi sai trái của một số cán bộ địa phương trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, đến nay nhiều sự việc vẫn chưa được cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương trả lời thỏa đáng khiến dư luận nhân dân nổi sóng và tình an ninh trật diễn biến phức tạp.

Theo người dân xã Ngọc Liên, việc người dân chuyển đổi đất đai tại địa phương cho một số doanh nghiệp diễn ra từ năm 2009 khi UBND xã đồng ý cho một số doanh nghiệp vào làm dự án.

Theo đó khu đất nông nghiệp phía Nam đường sắt với diện tích hơn 72 ha của nhân dân trong xã Ngọc Liên được UBND xã cho rằng xa xôi, sản xuất gặp khó khăn nên UBND xã đã họp nhân dân để doanh nghiệp vào làm hợp đồng chuyển đổi. Qua nhiều lần thỏa thuận giá cả, người dân đã đồng ý làm hợp đồng chuyển đổi cho một số doanh nghiệp với số tiền 46 triệu đồng/1 sào và thời hạn hợp đồng là hết Nghị quyết 03 tức là hết năm 2013.

Sự việc không có gì đáng nói nếu nhân dân nắm rõ vấn đề nhưng trên thực tế người dân địa phương cho rằng một số cán bộ xã đã không công khai dự án trước dân, không cho nhân dân biết chuyển đổi đất nhằm mục đích gì mà trong hợp đồng cũng không ghi rõ.

Người dân tin tưởng hết năm 2013 thì hợp đồng giữa người dân và doanh nghiệp hết hạn, ruộng sẽ trả lại cho dân để sản xuất.

Điều lạ lùng ở đây là khi người dân và doanh nghiệp đã bàn bạc thống nhất việc làm hợp đồng chuyển đổi (mẫu số 35) có thời hạn hết năm 2013 thì sau khi người dân đã ký và nhận tiền cán bộ địa chính xã Ngọc Liên là ông Nguyễn Văn Hiển lại làm lại một trong hai tờ hợp đồng và mang đến cho người dân ký nhận với lý do là nhầm giữa “chuyển đổi” (mẫu hợp đồng số 35) và “chuyển nhượng” (mẫu hợp đồng số 37).

Chính sự làm việc thiếu minh bạch này, người dân đã không đồng ý ký vào bản hợp đồng mà họ cho rằng đây không phải là bản hợp đồng như thỏa thuận. Người dân chỉ chuyển đổi có thời hạn chứ không chuyển nhượng, nếu chuyển nhượng thì cần phải bàn bạc lại một cách công khai.

Ông Nguyễn Văn Ba (54 tuổi)- người dân thôn Mỹ Vọng bức xúc: “Nhiều tháng qua chúng tôi kiến nghị tới cơ quan chức năng để làm sáng tỏ sự việc tại sao một số cán bộ địa phương lại tự ý cho người viết lại bản hợp đồng chuyển đổi thành chuyển nhượng. Nhân dân chúng tôi không nắm rõ quy định của Nhà nước nên đã không được hưởng hết quyền lợi, đất đai chuyển đổi đã hết thời hạn mà không trả lại cho nhân dân làm tư liệu sản xuất…”.

Người dân mất đất, mất quyền lợi bất bình trước việc tại sao dự án quy hoạch do UBND huyện Cẩm Giàng phê duyệt vào năm 2009 mà không ai hay biết, hợp đồng chuyển đổi cán bộ làm việc cũng không cấp lại cho nhân dân như vậy đã làm trái quy định của pháp luật.

Một phần nhỏ diện tích trong dự án ở xã Ngọc Liên sử dụng
đúng mục đích là xây dựng nhà máy gạch.

Xã nhận sai

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Kiểm, người dân xã Ngọc Liên bày tỏ: “Gia đình tôi có mấy sào ruộng tại khu vực phía Nam đường sắt đã chuyển đổi cho doanh nghiệp nhưng đến nay theo hợp đồng đã hết hạn mà doanh nghiệp lại không trả lại cho dân. Chúng tôi đến gặp UBND xã, UBND huyện thì cán bộ lại cứ khất lần đến nay đã nhiều tháng trôi qua nhưng chúng tôi không nhận được bất cứ câu trả lời nào”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi doanh nghiệp làm chuyển đổi với người dân xong thì 72 ha trên bị bỏ hoang đến tận cuối năm 2014 có người về trồng chuối trên diện tích trên và đến 2015 mới có một doanh nghiệp về lấy đất xây công trình nhà máy gạch.

Theo Quyết định số 1856/QĐ-UBND ngày 22/10/2009 của Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng - Bà Mai Thị Thơ ký thì toàn bộ diện tích trên khi quy hoạch sẽ được phục vụ mục đích sản xuất vật liệu xây dựng. Nhưng không hiểu vì lý do gì sau khi một số doanh nghiệp tiến hành hợp đồng chuyển đổi đất với người dân xong thì lại bỏ hoang suốt từ năm 2010 đến cuối năm 2014 mà không có bất kỳ hoạt động sản xuất nào.

Cuối năm 2014 đất được sử dụng trồng chuối nhưng căn cứ theo Quyết định của Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng thì mục đích trên là không đúng theo quy hoạch. Mặc dù vậy, UBND xã Ngọc Liên lại không quan tâm hay có bất cứ báo cáo nào lên cấp trên về thực trạng này.

Hợp đồng “chuyển đổi” bị cán bộ xã sửa thành “chuyển nhượng”.

Trao đổi về các nội dung trên, ông Nguyễn Văn Tân- Chủ tịch UBND xã Ngọc Liên cho biết: ông mới lên nhận chức Chủ tịch xã từ tháng 7 - 2015 đến nay, trước đây ông Tân làm thường trực Đảng ủy nên nhiều sự việc cũng nắm tương đối rõ. Việc nhiều người dân khiếu nại về vấn đề đất đai tại khu phía Nam đường sắt ông Tân cũng đã nắm rõ.

Khi được hỏi về việc UBND xã Ngọc Liên cho doanh nghiệp vào thực hiện dự án thì có làm đúng quy trình, thủ tục của pháp luật về thu hồi đất hay không, vị Chủ tịch xã Ngọc Liên lý giải: “Chúng tôi thực hiện cho doanh nghiệp tự thỏa thuận mua bán với dân, đất đai doanh nghiệp mua rồi người ta có quyền sử dụng thế nào là việc của người ta và đến nay cũng không có bất kỳ quyết định thu hồi đất nào”.

Một dự án lên đến 72ha nhưng UBND xã Ngọc Liên lại không thực hiện đúng theo Quyết định số 1856/QĐ-UBND ngày 22/10/2009 của Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng; Trong Quyết định đã nêu rõ: “Giao cho UBND xã Ngọc Liên thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Tổ chức kiểm tra thường xuyên việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất”.

Thắc mắc về bản hợp đồng liệu có việc cán bộ địa chính xã Ngọc Liên là ông Nguyễn Văn Hiển cho người viết lại thì ông Chủ tịch UBND xã Ngọc Liên thừa nhận: “Do bản hợp đồng người dân viết nhiều màu mực nhòe nhoẹt nên đã có người viết lại cho đẹp. Việc cán bộ xã làm không đúng về việc làm mẫu hợp đồng cũng do năng lực, trình độ của cán bộ địa phương yếu kém, chưa tìm hiểu rõ ràng dẫn đến việc làm sai”.

Ngoài ra, điều người dân bức xúc ở đây đó là tại thời điểm người dân và doanh nghiệp tiến hành thỏa thuận hợp đồng chuyển đổi đất thì căn cứ theo quy định của Nhà nước về giá trị đất nông nghiệp phải là 68 triệu đồng/1 sào nhưng dường như UBND Ngọc Liên lại “quên” không công bố trước dân để dân chịu thiệt với giá chỉ có 46 triệu đồng/1 sào.

Khó có thể lý giải tại vì sao một sự việc mà người dân xã Ngọc Liên đang hết sức bức xúc lại không được cơ quan chức năng trả lời rõ ràng? Việc một bản hợp đồng được cán bộ địa chính xã tự ý viết lại từ “chuyển đổi” thành “chuyển nhượng” đã làm thay đổi hoàn toàn bản chất sự việc. Đặc biệt hơn, đó còn là sự làm việc thiếu trách nhiệm và năng lực hạn chế của một số cán bộ địa phương dẫn đến người dân mất đi quyền lợi chính đáng.

Đề nghị UBND tỉnh Hải Dương, UBND huyện Cẩm Giàng nhanh chóng vào cuộc, làm rõ sự việc,trả lại quyền lợi chính đáng của người dân xã Ngọc Liên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xã làm sai, dân chịu thiệt