Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hán Duy Long, nguyên chiến sỹ đại đội 9, tiểu đoàn 3, bộ đội địa phương tỉnh đội Quảng Trị là một trong số ít những người lính trải qua đủ 81 ngày đêm chiến đấu trong “túi bom” Thành cổ Quảng Trị mà vẫn may mắn trở về. Nhưng với ông, nỗi đau đáu nhất hiện nay là việc đi tìm danh tính cho những liệt sĩ - những đồng đội của ông đã ngã xuống... Ông đã có cuộc chia sẻ với Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
Đại tá Hán Duy Long.
PV:Thưa ông, là một trong số ít những người lính trải qua 81 ngày đêm chiến đấu trong “túi bom” Thành cổ Quảng Trị may mắn trở về, bây giờ điều trăn trở lớn nhất của ông là gì?
Đại tá Hán Duy Long: Trong chiến dịch ấy tôi vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hơn 40 năm đã trôi qua, 81 ngày đêm ấy vẫn mãi là những ký ức hào hùng không thể nào quên với tôi.
Cả đất nước vừa có nhiều hoạt động thiết thực để Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Tôi cũng có dịp quay trở lại chiến trường xưa nhưng thật đau lòng khi tôi thấy vẫn còn hơn 600 ngôi mộ đồng đội đều có một dòng chữ liệt sỹ chưa biết tên.
Nhìn những ngôi mộ không tên ấy, chúng ta đều hiểu mặc dù chiến tranh đã lùi xa 42 năm nhưng ở đâu đó còn nguyên những nỗi đau khắc khoải của người mẹ mất con, người vợ mất chồng, người cha mất con nay vẫn chưa tìm được. Đứng trước những ngôi mộ không tên chúng tôi cảm thấy có lỗi với đồng đội của mình vô cùng.
Có thể nói, đất nước chúng ta, thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình là nhờ sự đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sỹ. Các anh đã hy sinh vì sự nghiệp của cách mạng, của dân tộc. Các anh đã cống hiến tuổi thanh xuân, xương máu cho sự nghiệp cách mạng. Vậy nên, thế hệ trẻ hôm nay và mãi mãi về sau cần luôn luôn ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ, những người có công với đất nước.
Theo ông, việc hỗ trợ các đối tượng chính sách, đặc biệt là công tác quy tập và tìm kiếm liệt sỹ đã thỏa đáng hay chưa?
- Hơn nửa thế kỷ đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, cả nước đã có hàng triệu cán bộ, chiến sĩ và đồng bào anh dũng hy sinh; nhưng hiện vẫn còn gần 200 nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy mộ, khoảng 300 nghìn liệt sĩ tuy đã được quy tập vào các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính, hàng chục vạn thương bệnh binh... Có thể nói đối tượng chính sách của chúng ta quá lớn. Mặc dù chúng ta có nhiều cố gắng nhưng thực sự chưa đáp ứng được mong mỏi của mọi người.
Ví dụ như việc xác định danh tính của các liệt sỹ. Việc này không thể ngày một ngày hai có thể làm được mà cần phải có sự nỗ lực, nhất là việc xác định ADN để trả lại tên cho các liệt sỹ cũng đang là vấn đề nan giải, gian truân lắm.
Nhiều đồng đội của chúng tôi, những gương cựu chiến binh dù tuổi già, sức yếu, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng vẫn lặn lội về lại chiến trường xưa tìm hài cốt của đồng đội. Họ chính là hiện thân của những tấm gương tiêu biểu, thể hiện lòng tri ân đồng đội đã hy sinh, tri ân công ơn của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Vậy theo ông, để công tác quy tập và tìm kiếm liệt sỹ được thực hiện tốt hơn chúng ta cần phải làm như thế nào?
- Chúng tôi luôn mong mỏi nhà nước, các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa để tìm được tên cho các anh. Bởi chiến tranh ngày càng lùi xa, điều kiện tìm kiếm sẽ càng khó khăn hơn gấp bội. Muốn cuộc tìm kiếm hiệu quả thật cao, có lẽ rất cần có sự vào cuộc của toàn xã hội may ra công tác quy tập và tìm kiếm mộ liệt sỹ mới làm được tốt hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!