Một trong những nội dung cốt lõi của việc cải cách chế độ công vụ, công chức là tiến hành xác định vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính nhà nước để qua đó tinh giản và làm cơ sở cho cải cách tiền lương cũng như nâng cao chất lượng cán bộ. Báo Đại Đoàn Kết khởi đăng loạt bài liên quan đến vấn đề này.
Theo lộ trình sẽ tinh giản 10% tổng biên chế vào năm 2021. Ảnh: VGP.
Từ năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2013/NĐ-CP “Về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức”, trong đó có quy định về xây dựng khung năng lực cho từng vị trí. Tuy nhiên, phải mất một thời gian tương đối dài các bộ, ngành địa phương mới triển khai được chủ trương này. Mắc nhất chính là việc không ít bộ, ngành địa phương khi xây dựng đề án vị trí việc làm (VTVL) tại đơn vị mình thì số biên chế không những không giảm mà còn tăng.
Không thể tùy tiện tăng biên chế, phải thực hiện đúng lộ trình tinh giảm 10% tổng biên chế vào năm 2021 là việc mà các bộ, ngành địa phương phải nỗ lực làm.
Vì sao phải xác định vị trí việc làm?
Ông Phạm Đức Toàn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ cho biết, ngày 25/6/2013, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 05/2013/TT-BNV hướng dẫn thực hiện Nghị định số 36/2013/NĐ-CP của Chính phủ về VTVL và cơ cấu ngạch công chức. Trong Thông tư này có hướng dẫn về khung năng lực và lập bản mô tả công việc. Đây là một bước đi nhằm cụ thể hóa Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” theo Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18/10/2012 của Chính phủ để nền công vụ gọn, nhẹ, giảm quy mô công vụ, tránh chồng chéo, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ.
Như vậy, xác định vị trí việc làm (XĐVTVL) được đặt ra để thực hiện rất nhiều mục tiêu, trong đó ưu tiên hàng đầu là tinh giản biên chế. Nếu XĐVTVL, có bảng mô tả chi tiết công việc của từng vị trí cụ thể trong nền công vụ, mọi việc được lượng hóa thì mới có thể xác định được ai là người không hoàn thành nhiệm vụ, chứ vẫn cứ đánh giá một cách chung chung, định tính như hiện nay chắc chắn sẽ không thể tìm được công chức “cắp ô”.
XĐVTVL có ý nghĩa quan trọng như vậy cho nên rất nhiều cơ quan đã triển khai công việc này từ rất sớm. Cụ thể, trong năm 2015 và 2016, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được phê duyệt danh mục VTVL. Trên cơ sở đó, xác định các VTVL cần có và xây dựng bản mô tả công việc và bản tiêu chuẩn năng lực cho mỗi VTVL, từ đó hình thành bộ từ điển năng lực cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Có bao nhiêu VTVL thì sẽ có bấy nhiêu bản mô tả công việc và khung năng lực qua đó xác định được số biên chế, số lượng và cơ cấu ngạch công chức của từng tổ chức.
Dù nhiều bộ, ngành địa phương đã xây dựng đề án này nhưng chưa thể triển khai được là bởi không ít cơ quan khi xây dựng VTVL thường dựa trên cơ sở tổ chức, biên chế sẵn có để tiến hành xác định số lượng VTVL và đề nghị cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn mà chưa thực sự phân tích công việc, chưa đi từ mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ cũng như từ khối lượng công việc thực tế của tổ chức mà xây dựng nên hệ thống các VTVL.
Về vấn đề này Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đặt câu hỏi “tại sao sau khi xây dựng VTVL thì tất cả các bộ, ngành đều “đẻ số”, tăng thêm biên chế”? “Có ngành tăng thêm 5.000 - 6.000 biên chế, trình đi, trình lại Bộ Chính trị vẫn không duyệt. Sau đó ngành đó xin không tăng mà giữ nguyên như hiện nay. Như vậy là không giảm được biên chế”, Phó Thủ tướng cho biết và nhấn mạnh đến hai từ khóa quan trọng trong Nghị quyết 27 là xây dựng VTVL đảm bảo nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và tinh giản biên chế; xây dựng VTVL để tuyển dụng, đánh giá, sử dụng và trả lương.
Xác định vị trí việc làm đúng sẽ là căn cứ để giảm biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ.
Chỉ muốn tăng, không muốn giảm
Xác định lại từng VTVL, không ít địa phương muốn tăng thêm biên chế là điều dễ hiểu trong điều kiện người ta chỉ muốn tách chứ không muốn nhập, chỉ muốn tăng chứ không giảm biên chế, nhưng vẫn có những địa phương giảm được biên chế.
Ông Khuông Văn Thông - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang cho biết: Hiện Bắc Giang đã giảm 46 VTVL trong tổng số 316 danh mục mà Bộ Nội vụ giao. Việc xác định biên chế công chức đến năm 2021 của địa phương này cũng giảm 10%, tương đương với 222 chỉ tiêu. Tuy nhiên, để thực hiện công việc này không hề dễ dàng.
Ông Thông cho biết thêm, khó nhất trong 7 bước XĐVTVL là mô tả công việc của công chức. Do xây dựng VTVL trên cơ sở thống kê công việc vẫn chưa được lượng hóa nên không có cơ sở khoa học để xác định số biên chế và số việc làm. Vì vậy, chưa khắc phục được tình trạng các cơ quan, đơn vị khi xây dựng đề án đều muốn tăng biên chế: “Tất cả các sở, ngành cũng như các huyện, thành phố đều muốn tăng biên chế chứ không muốn giảm. Ít nhất cũng muốn giữ nguyên. Có đơn vị xây dựng đề án đến 5-7 lần nhưng chúng tôi cương quyết là phải giảm 10% theo mục tiêu của chính phủ” - ông Thông chia sẻ.
Đến năm 2021 phải giảm 10% biên chế
Ông Nguyễn Văn Lượng - Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế, Bộ Nội vụ thông tin: Đến nay 100% các bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt đề án VTVL và đã triển khai quyết liệt. Bộ Nội vụ đã phân cấp, ủy quyền giao cho các bộ, ngành địa phương tự quyết định, phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện cho phù hợp với hoàn cảnh của từng đơn vị, Bộ Nội vụ chỉ đôn đốc, hỗ trợ các cơ quan này thực hiện chủ trương này để đến năm 2021 sẽ triển khai trả lương theo VTVL.
Trả lời câu hỏi có hay không chuyện nhiều địa phương tăng biên chế sau khi xác định VTVL ông Lượng cho biết, lúc đầu các bộ ngành địa phương khi phê duyệt đề án VTVL có chuyện biên chế bị tăng lên vì làm chưa đúng. Nhưng bây giờ theo quy định của Chính phủ và Trung ương cứ mỗi năm phải giảm một số lượng biên chế nhất định để đến năm 2021 tổng giảm biên chế là 10% so với năm 2015. “Thế nên anh xây dựng thế nào là việc của anh nhưng biên chế phải giảm theo mục tiêu đã đề ra” - ông Lượng nói.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh: Phân công, phân cấp phải gắn với quản lý chứ không phải “thả gà ra đuổi”. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, “đẻ số” ra rồi dùng dằng duyệt hay không duyệt, dẫn đến biên chế tăng, không thực hiện được cải cách tiền lương.