'Xanh' hóa nền kinh tế, không dễ

PV 08/05/2023 07:45

Nhiều ý kiến cho rằng để “xanh” hóa nền kinh tế thì phải bắt đầu từ việc đồng bộ thực hiện xanh hóa hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu dùng và hậu tiêu dùng. Phải thực hiện đồng bộ tất cả các khâu, thay vì chỉ thực hiện một khâu thì mới đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh. Đây là xu hướng phát triển tất yếu. Nói là vậy nhưng để làm được không dễ.

Một số cơ sở sản xuất nông nghiệp xanh đã phát huy hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (VAFIE), hiện tồn tại khoảng cách rất xa giữa quyết tâm và việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh. Nếu chưa đạt được những mục tiêu ngắn hạn thì mục tiêu dài hạn còn khó hơn nhiều.

“Chúng ta đã cam kết trong COP26 là năm 2050 Việt Nam phát thải bằng 0. Thế thì lộ trình dài hạn đến năm 2050, trung hạn là đến năm bao nhiêu, ngắn hạn từng năm là như thế nào? Theo tôi, chúng ta phải xây dựng lộ trình cụ thể và khi đạt được lộ trình đó thì mới có thể giải quyết được” - ông Toàn nói đồng thời dẫn nguồn từ báo cáo về các DN đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời điểm hết năm 2021, cho biết chỉ có 5% DN đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là DN công nghệ cao; 15% là công nghệ lạc hậu; 8% là công nghệ trung bình.

Còn theo ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) thì chúng ta cần có lộ trình để triển khai tăng trưởng xanh trong bối cảnh kinh tế thế giới khó đoán định. Mục tiêu tăng trưởng xanh là mục tiêu khó khi số lượng DN, tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam và tăng trưởng xanh chưa nhiều.

Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tới nay các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DN trong nước mới đầu tư khoảng 9 tỷ USD vào các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng - phát triển xanh, như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, hay đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh... chiếm khoảng 2% GDP. Trong khi đó, Tập đoàn tư vấn Boston (BCG) ước tính nguồn vốn mà Việt Nam cần để hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon lên tới 900 tỷ USD (vào năm 2050). Cũng cần lưu ý khi giới chuyên gia cho rằng Việt Nam đã trải qua một giai đoạn dài thu hút đầu tư nước ngoài nhưng sự tăng trưởng vốn đầu tư vào các lĩnh vực xanh, với mức bình quân 10-13% một năm, mới chỉ diễn ra 2 năm gần đây.

Chúng ta đã có Chiến lược tăng trưởng xanh và kế hoạch hành động. Những nội dung này cũng đã được lồng ghép trong các quy hoạch chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương để thực hiện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh đó cần có cơ chế chính sách ưu đãi thiết thực, đúng và trúng để hỗ trợ DN trong việc thay đổi nhận thức và thực hiện một cách có hiệu quả trong việc sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh.

Thực tế cho thấy vai trò của DN trong việc triển khai các chiến lược tăng trưởng xanh, chiến lược quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững là rất quan trọng. Đây là lúc DN cần phải đưa ra những giá trị mới để đáp ứng được những nhu cầu mới, nhu cầu phát triển xanh và bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Xanh' hóa nền kinh tế, không dễ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO