Phát triển kinh tế tuần hoàn được coi là chiến lược trọng tâm giúp ngành dệt may Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có những thương hiệu ngang tầm quốc tế. Xu hướng kinh tế tuần hoàn không còn là khẩu hiệu mà phải hành động ngay từ bây giờ để tăng khả năng cạnh tranh.
Xu thế tái chế, tuần hoàn
Mặc dù kỳ vọng lớn, song ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước thách thức phát triển bền vững. Ông Huỳnh Thanh Trung - Giám đốc Công ty CP Leanwares nhận định, trước đây kinh tế đi một chiều từ nguyên liệu đến chất thải nhưng hiện xu thế tái chế, tuần hoàn ngày càng tăng. Khi xu hướng thay đổi, nhất là các tiêu chuẩn organic được lựa chọn nhiều, bắt buộc doanh nghiệp dệt may phải thay đổi và phải hành động.
Còn ông Phạm Văn Việt - Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu Đan TPHCM cho rằng, nếu doanh nghiệp dệt may không có lộ trình xanh hóa từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ bị đào thải. “Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế bao gồm tất cả các công đoạn thiết kế, sản xuất, phân phối. Trong đó, sử dụng nguyên liệu đầu vào đảm bảo tính môi trường, giảm thiểu tác động đến môi trường và có các lợi ích cơ bản cho nền kinh tế”, ông Việt nói.
Nói về xanh hóa ngành dệt may trong bối cảnh kinh tế tuần hoàn, PGS. TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học quốc gia TPHCM cho biết, dệt may là một trong những ngành tiêu thụ tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, có cường độ phát thải nhà kính cao. Thế nhưng, nguồn cung nguyên phụ liệu của Việt Nam lại chủ yếu là nhập khẩu khoảng 70%. Điều này khiến doanh nghiệp khó kiểm soát được chất lượng và tính bền vững của chuỗi cung ứng. Riêng khâu dệt nhuộm, chưa có quy hoạch về không gian phát triển nên chưa hình thành được các khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các dự án dệt, nhuộm đang nỗ lực để phát triển bền vững nhưng chưa ghi nhận được sự chia sẻ từ một số địa phương”- ông Quân cho biết.
Trong khi đó, TS. Huỳnh Thanh Điền - chuyên gia kinh tế nhận định: “Xuất khẩu dệt may ngày càng khó hơn. Nguyên nhân chủ yếu, Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định thế hệ mới, trong đó đặt ra nhiều tiêu chuẩn về xanh hoá”.
Năm 2023 ngành dệt may Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu có thể thu về 48 tỷ USD. Tuy nhiên, dự báo mục tiêu này đang gặp những thách thức do tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn. Ngoài ra, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ…
Bắt tay hành động
Phát triển kinh tế tuần hoàn được coi là chiến lược trọng tâm giúp ngành dệt may Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có những thương hiệu ngang tầm quốc tế. Cùng với đó các thị trường nhập khẩu lớn của ngành dệt may Việt Nam đã đặt ra lộ trình và mục tiêu cụ thể về sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường. Thực tiễn bắt buộc dệt may phải tuân thủ các tiêu chuẩn xanh hóa trong sản xuất, thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường.
Theo tính toán, hiện có gần 100 tiêu chí đánh giá của các nước như Mỹ, EU, Hàn Quốc và một số nước khác đối với dệt may Việt Nam. Quy định mới của EU yêu cầu hàng dệt may có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng được.
Ông Quân hiến kế cần có sự phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, công thương, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, công nghệ số trong quá trình chuyển đổi xanh ngành dệt may. Ngoài ra, đáp ứng mục tiêu thúc đẩy sản xuất sạch, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường và đẩy mạnh mạng lưới liên kết bền vững các doanh nghiệp trong ngành dệt may trong cụm công nghiệp và các bên liên quan theo chuỗi giá trị. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may.
Giới chuyên gia cũng khẳng định, dệt may Việt Nam phải đẩy mạnh vùng trồng nguyên liệu nội địa và đa dạng hóa nguồn nguyên liệu cung cấp cho ngành. Song song đó, tận dụng và tối ưu hóa đầu vào trong ngành dệt may thông qua thiết kế, phát triển và sử dụng nguyên nhiên liệu, nguyên vật liệu tái tạo, tái sinh đáp ứng sản xuất.
“Xu hướng kinh tế tuần hoàn không còn là khẩu hiệu mà phải hành động ngay từ bây giờ”- ông Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh.
Theo tính toán, hiện có gần 100 tiêu chí đánh giá của các nước như Mỹ, EU, Hàn Quốc và một số nước khác đối với dệt may Việt Nam. Quy định mới của EU yêu cầu hàng dệt may có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng được.