Giao thông

Xanh hóa xe buýt ở Hà Nội: Còn nhiều thách thức

Lê Khánh 29/11/2024 15:51

TS. Phan Lê Bình, Trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG, Nhật Bản cho biết: "Việc xanh hóa xe buýt ở Hà Nội, với tôi, trở ngại lớn nhất là nguồn vốn".

Trở ngại lớn nhất là nguồn vốn

Chiều nay (29/11) tại Hà Nội, Báo Giao thông tổ chức tọa đàm: "Xanh hóa xe buýt: "Thách thức và Giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư".

UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố".

Cụ thể, Đề án đưa ra kế hoạch, lộ trình chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố đạt 100% vào năm 2035.

Theo đó, giai đoạn 2026-2035, thành phố sẽ chuyển đổi 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG. Tổng số phương tiện cần chuyển đổi là 2.051 xe. Trong đó, năm 2025, thành phố sẽ chuyển đổi 103 xe điện (tỷ lệ 5%); giai đoạn 2026-2030 sẽ chuyển đổi 1.813 xe (93,4%), trong đó 859 xe điện và 851 xe LNG/CNG; giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thành chuyển đổi 2.051 xe (đạt 100%).

Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS. Phan Lê Bình, Trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG, Nhật Bản cho rằng, giai đoạn đầu khi Hà Nội thảo luận lập đề án, tôi có phần hoài nghi, không biết có thực hiện được hay không.

"Việc xanh hóa xe buýt ở Hà Nội, với tôi, trở ngại lớn nhất là nguồn vốn", ông Bình nhấn mạnh.

z6080949876755_89383b3365b047f4c473a3e1346783b5.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Cũng theo ông Bình, thời điểm đó, thông tin chưa rõ ràng. Có thông tin cho rằng 1 xe buýt chạy điện có giá thành gấp 2,5-3 lần so với buýt chạy bằng diesel, chênh nhau khoảng 4 tỷ đồng. Như vậy, khoảng hơn 2.000 xe sẽ đòi hỏi mức đầu tư chênh 8.000-10.000 tỷ đồng. Với nguồn ngân sách Hà Nội, con số này không hẳn lớn.

"Tuy nhiên, trong bối cảnh Hà Nội còn nhiều nguồn cần chi như đường sắt đô thị, thành phố có thể thu xếp được nguồn vốn hay không là nỗi băn khoăn.

Ngoài ra, với phụ tải về điện, hàng nghìn xe buýt có tạo áp lực phụ tải lớn với mạng lưới điện hay không cũng là điều tôi băn khoăn. Tuy nhiên, khi thành phố đã phê duyệt, tôi nghĩ thành phố đã cân đối về khả năng nguồn chi.

Từ góc độ người dân, tôi cho rằng số lượng buýt thời gian tới dùng năng lượng xanh sẽ góp phần làm trong sạch bầu không khí đang ô nhiễm, kỳ vọng giúp chúng ta dễ thở hơn thời gian tới", Trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG, Nhật Bản băn khoăn.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội, để một doanh nghiệp đang chạy xe truyền thống chuyển sang xe xanh, công nghệ mới, vừa cần thay đổi phương tiện, vừa thay đổi tư duy con người.

"Thay đổi phương tiện chỉ là một phần, doanh nghiệp cần nhìn nhận đây là cơ hội để thay đổi chất lượng dịch vụ, là cơ hội để đổi mới lực lượng quản lý, lái xe và nhân viên phục vụ, là cơ hội để các doanh nghiệp có thêm hành khách.

Theo thống kê, hành khách xe buýt điện chủ yếu là người đi làm, rất khác so với xe buýt truyền thống chủ yếu là học sinh, sinh viên.

Tôi cho rằng để chuyển đổi thành công, các doanh nghiệp buýt truyền thống cần có quyết tâm, tìm nguồn lực để vận hành ổn định ngay từ giai đoạn đầu để đi được dài hơi, cùng đồng hành với TP Hà Nội để công cuộc chuyển đổi xe buýt xanh được nhanh chóng, tích cực nhất, song song với đó cũng cần sự hỗ trợ của Chính phủ về các chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi", ông Hải cho hay.

Chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội: "Với Hà Nội, tôi nghĩ chuyển đổi xanh mới được khởi động mấy năm gần đây nhưng đây là xu thế không tránh được và chúng ta bắt buộc phải đi theo".

"Đề án được thông qua sẽ đưa ra những định hướng, để các doanh nghiệp lượng hóa được nguồn lực, chuẩn bị kỹ càng hơn. Theo tôi, các doanh nghiệp vận tải của ta đã bước đầu tiếp cận được vấn đề chuyển đổi xanh, ngoài đơn vị đầu tiên là Bảo Yến có xe chạy bằng CNG.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có nhiều thách thức mà ta cần trao đổi nhiều hơn, kèm sự hỗ trợ của Chính phủ, thành phố để có cơ chế, định hướng, để doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh nhất nhằm đạt được mục tiêu tới năm 2035, 100% doanh nghiệp sẽ chuyển sang sử dụng xe điện, tương ứng hơn 2.000 xe", ông Hoàng Hải cho hay.

1692719736774.jpg
Hình ảnh xe buýt điện Vinbus.

Nói đến các tính năng nổi bật của xe buýt điện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, xe buýt điện sử dụng công nghệ cao, mới nhất, tiên tiến nhất, có wifi, camera AI, sàn xe có thể nâng hạ hỗ trợ cho người yếu thế, khuyết tật, thông qua công nghệ có thể kiểm soát được lái xe, an ninh trật tự trên xe, được ứng dụng thẻ vé điện tử.

Ông Nguyễn Công Nhật - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus, cho hay, cuối năm 2021, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội đưa vào hoạt động 3 tuyến xe buýt điện, giai đoạn 2022 đưa vào hoạt động 6 tuyến và cuối năm 2023 đưa vào hoạt động 1 tuyến. Đến nay có 10 tuyến xe buýt điện hoạt động.

"Sau hơn 3 năm vận hành đánh giá, khảo sát, thống kê, chúng tôi đánh giá đây là mô hình vận tải giao thông công cộng xanh, có thể so sánh được với giao thông công cộng ở một số Thủ đô phát triển khác trên thế giới như Seoul.

Chất lượng dịch vụ, tác phong phục vụ của nhân viên bán vé được nâng cao, họ được đào tạo, hướng dẫn để luôn nói lời xin chào khi gặp hành khách lên xe và cảm ơn khi hành khách xuống xe, trở thành một mô hình điểm về phát triển vận tải hành khách giao thông công cộng.

Hành khách trải nghiệm xe buýt điện không có tiếng ồn, không có mùi dầu mỡ, xe buýt điện không phát thải như các phương tiện dầu diesel", ông Nguyễn Công Nhật phân tích.

Theo ông Nhật, trong 3 năm, các tuyến buýt của chúng tôi đã vận chuyển hơn 9 triệu hành khách. Các chuyến xe của Vinbus đã giảm được hơn 40 nghìn tấn CO2, tương đương trồng 1,8 triệu cây xanh.

"Theo thống kê, 1 xe buýt thường nếu được thay thế bằng xe chạy điện thì sẽ giảm phát thải 220kg CO2/xe/ngày. Với hơn 2.000 xe, chúng ta có thể đạt được mục tiêu giảm 420 tấn CO2/ngày.

Nếu Hà Nội chuyển đổi trong 10 năm nữa, ta sẽ giảm được 450 tấn CO2/ngày và điều này sẽ mang lại hiệu quả cho xã hội", ông Nhật thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xanh hóa xe buýt ở Hà Nội: Còn nhiều thách thức