Văn hóa

Xanh xanh bóng tre

THÁI HƯƠNG LIÊN 27/11/2023 10:23

Lũy tre xanh từng bao quanh làng tôi giống như những bức tường thành, chúng mọc lên có khi để phân chia ranh giới giữa vườn trại nhà này với nhà khác, làng này với làng khác. Người ta trồng tre ven bờ ao để giữ đất do đám rễ gân guốc và chắc khỏe có thể ngăn nước xói mòn.

img-6737.jpg
Tranh: Nguyễn Đăng Phú.

Loài cây giản dị này chẳng kén chọn đất trồng, có thể mọc lên xanh tốt ở bất cứ nơi đâu, dù là bờ ao cõi rạch. Chỉ với mấy cái gốc tre đào lên còn để nguyên rễ, trồng vào cái hố đất đào cạnh bờ ao rồi phủ lên một lượt bùn ao mềm là khi mùa xuân sang, những mầm măng lại đội đất nhô lên.

Cứ thế, tre đan lũy đan thành phủ bóng rợp mát mặt ao trong vắt, phẳng lặng ghi dấu mây trời. Màu xanh bình dị ấy ngăn bão giông sương gió, che chở cho những mái nhà được bình yên, đấy cũng là chốn nương náu an lành cho những cánh cò cánh vạc xao xác bay về khi chiều hôm buông xuống.

Những trưa hè oi ả, bóng tre cạnh chiếc cầu ao bằng đá ong cổ là nơi tránh nắng cho người trong xóm. Tiếng gió rì rào trên ngọn lá đan dày và tiếng chim lảnh lót khiến người ta quên đi những mệt mỏi sau những buổi làm việc vất vả. Làng tôi luôn rợp bóng tre xanh mát.

Người làng tôi đi làm đồng hay đi đâu xa về thấy lũy tre đầu làng, thấy khói lam bay lên la đà trên cái màu xanh ấy là sắp gặp những mái nhà quen thuộc, sắp được ăn bữa cơm nhà, sắp gặp lại người thân. Trong các vật dụng nhà nông, hình như chưa bao giờ vắng bóng cây tre, từ cày bừa, cuốc xẻng đến quang trành đòn gánh… cho đến chiếc đũa hay cái mâm chõng trong bữa ăn hàng ngày.

Từ tháng Tám âm lịch trở đi, người làng tôi sẽ chặt tre, những cây tre già, to đều, chắc khỏe được dành cho công việc quan trọng như làm nhà. Để có được một nếp nhà tre, người quê tôi phải gom từng thân tre ưng ý, chắt chiu dành dụm mùa này qua mùa khác, đến khi đủ mới cất gian nhà mới.

Tre có thể đốn quanh năm nhưng chỉ là để đan lát rổ rá, thúng mủng dần sàng… hoặc làm lạt buộc. Các cụ già có kinh nghiệm cho rằng, cuối thu là lúc cây tre cứng cáp chắc khỏe nhất, có thể vì nó vừa trải qua một quãng thời gian nhiều mưa nhiều nắng nhất trong năm. Khi đó thân tre đã được tôi luyện, đã vượt qua những mưa giông hay bão tố hay nắng lửa suốt mùa hạ nên cứng rắn chứ không còn non nớt như độ xuân sang. Tất nhiên, muốn cây tre không bị mối mọt bền bỉ với thời gian, người quê tôi không bao giờ bỏ qua công đoạn ngâm xuống ao sâu rồi với bùn phủ kín đến tận sang năm mới vớt lên làm nhà.

Tôi từng thấy nhiều bè tre đã chặt và ngâm chìm trong nước nhiều ngày mà từ thân tre vẫn mọc ra chùm lá xanh mướt làm chỗ đậu cho lũ chuồn chuồn ớt soi gương trên mặt nước. Và từ bờ tre rậm rạp ấy thường sinh ra những mầm măng bụ bẫm lớn rất nhanh, nếu không đào về nấu canh thì sẽ mau chóng có một cây tre non lớn nhanh như thổi. Người quê tôi hay nói “tre ấm bụi” là vì thế.

Mỗi khi heo may mang theo cái lạnh bay về, hàng tre xao xác trút lá nom có vẻ buồn hơn những dịp hè có gió nồm nam đầy căng cánh diều chao liệng giữa lưng trời. Tiếng thân tre kẽo kẹt những đêm trời trở gió hay những buổi sớm mùa đông sương muối phủ biến bờ tre xanh thành một màu trắng đục vẫn ở lại trong nỗi nhớ tôi rất lâu trong những năm tháng sau này.

Bây giờ, làng tôi đã khác xưa nhiều lắm, việc tìm kiếm một ngôi nhà cao tầng lộng lẫy dễ hơn nhiều so với việc tìm ra một bụi tre xanh bởi đất bờ ao nay đã còn rất ít. Nơi ấy, người ta ít dành đất cho loài cây giản dị năm nào đã làm nên nỗi nhớ khó phai trong tôi.

Màu xanh ấy nay vẫn còn nhưng là ở một nơi khác… không phải làng tôi.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xanh xanh bóng tre