Bỏ ra số tiền hơn 100 tỷ đồng để mở rộng, nâng cấp Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thành cơ sở cai nghiện ma túy khang trang với mục đích phục vụ hiệu quả hơn công tác cai nghiện. Tuy nhiên, công trình trị giá hàng trăm tỷ đồng đã bỏ hoang, nằm phơi sương, phơi nắng nhiều năm liền.
Cơ sở cai nghiện trăm tỷ ở Lạng Sơn xây xong rồi… bỏ hoang.
Dự án trăm tỷ bỏ hoang
Vào thời điểm năm 2010, tình hình tệ nạn xã hội nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn nổi cộm, số người nghiện ma túy, tái nghiện ma túy liên tục gia tăng trong khi cơ sở cai nghiện ma túy chật hẹp, quá tải. Trước thực trạng nhức nhối đó, ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn đã quyết đầu tư dự án mở rộng, nâng cấp Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thành Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lạng Sơn.
Theo đó, Dự án có tổng mức đầu tư 119 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích gần 15 ha đất tại địa bàn hai xã Quảng Lạc thuộc thành phố Lạng Sơn và xã Tân Thành thuộc huyện Cao Lộc, do Sở LĐTB &XH tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư. Dự án thiết kế có sức chứa 500 học viên cai nghiện được khởi công vào năm 2010 và hoàn thành quyết toán vào năm 2014. Đáng bàn, sau khi hoàn thành từ năm 2014 đến nay, Dự án hoành tráng này chưa một ngày đưa vào sử dụng và bỏ hoang nhiều năm trời.
Đến thời điểm hiện tại, những dãy nhà kiên cố của Trung tâm được xây dựng lên chỉ có tác dụng để ngắm. Khuôn viên Trung tâm hoang vu cỏ mọc um tùm. Cũng do bỏ hoang lâu ngày không người quản lý nên tường nhà xuống cấp xuất hiện nhiều vết nứt, nền nhà mốc meo. Hệ thống cửa kính nhiều phòng và các thiết bị khác bị hư hỏng nặng.
“Những tưởng Trung tâm cai nghiện mới hoàn thành thì việc cai nghiện sẽ tốt hơn. Ai dè, Nhà nước bỏ ra cả núi tiền chỉ để phơi sương phơi nắng. Việc đầu tư nửa vời, thiếu trách nhiệm này thật là đáng trách. Hàng ngày, nhìn Trung tâm cai nghiện cả trăm tỷ bỏ hoang đang xuống cấp mà dân chúng tôi xót ruột. Giá như số tiền đó đầu tư cho dân phát triển kinh tế - xã hội thì đã khác. Không biết nghịch lý này bao giờ mới được giải quyết và có ai đứng ra chịu trách nhiệm không, hay là cha chung không ai khóc” - ông Hoàng Văn Dũng, một người dân xã Quảng Lạc than thở.
Theo tìm hiểu của phóng viên, cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lạng Sơn hiện đang hoạt động được xây dựng từ năm 2003, có sức chứa 140 học viên, tuy nhiên thời điểm hiện tại đang có 229 học viên cai nghiện tại đây.
Ông Hoàng Văn Thả - Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lạng Sơn cho biết, nguyên nhân cơ sở mới mặc dù đã hoàn thành cách đây hơn 4 năm nhưng đến nay vẫn chưa được đưa vào sử dụng là do chưa được đầu tư kinh phí mua sắm gói thiết bị trị giá hơn 4 tỷ đồng và nguồn nước phục vụ sinh hoạt khoảng 1 tỷ 500 triệu đồng.
Cũng theo ông Thả, việc thiết kế công năng của cơ sở mới cũng có nhiều bất cập, không phù hợp với đặc thù cơ sở cai nghiện ma túy. Nếu đưa vào sử dụng cũng cần phải đầu tư thêm kinh phí để sửa chữa, đặc biệt là hệ thống cửa sổ của khu nhà dành cho học viên, cửa bảo vệ tại các tòa nhà.
Trách nhiệm thuộc về ai…?
Theo ông Đàm Văn Chính- Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Lạng Sơn, trong quá trình xây dựng Dự án cũng đã thấy việc thiết kế công năng là không phù hợp và đã đề nghị nhà thầu sửa chữa, nhưng không hiểu vì sao đến khi xây xong vẫn cứ thấy để vậy. Ông Chính cũng cho hay, hiện chưa có và cũng chưa biết bao giờ mới có nguồn kinh phí để mua sắm thiết bị, lắp đặt hệ thống nước phục vụ sinh hoạt nhằm đưa cơ sở mới vào hoạt động.
Còn ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Lạng Sơn cũng thừa nhận Dự án bỏ hoang là do chưa được đầu tư trang thiết bị. Về việc thiết kế công năng của cơ sở mới không phù hợp với đặc thù cơ sở cai nghiện ma túy, đặc biệt là hệ thống cửa sổ bằng kính, khung nhôm, ông Tuấn cho rằng, những bất cập này rất dễ phát hiện. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư đã phó mặc cho đơn vị tư vấn và nhà thầu. Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Lạng Sơn khẳng định, việc này chắc chắn sẽ phải kiểm điểm trách nhiệm.
Bàn về giải pháp khắc phục, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Lạng Sơn cho biết hiện Sở đề ra 2 giải pháp. Thứ nhất là sẽ cho doanh nghiệp thuê để khai thác, sử dụng nhằm tận dụng hạ tầng sẵn có. Thứ hai là tiếp tục đầu tư để đưa công trình vào sử dụng, phục vụ cho hoạt động cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Việc lựa chọn giải pháp nào Sở LĐTBXH sẽ khẩn trương chủ trì và mời các ngành liên quan đến họp bàn, khảo sát, đánh giá, thống nhất sau đó xin ý kiến UBND tỉnh.