Cục Chính trị Hải quân vừa tổ chức Hội nghị tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo và Hải quân Việt Nam, tại trường THPT Phương Xá (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ).
Tại Hội nghị, Thượng tá Vũ Hữu Kiêm, Trưởng phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Hải quân đã trực tiếp tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc tới đông đảo giáo viên và học sinh huyện Cẩm Khê.
Vài năm trở lại đây, Cẩm Khê là một trong những địa phương nổi bật trong các hoạt động tuyên truyền, giáo dục học sinh về chủ quyền biển, đảo. Đồng thời lan tỏa tinh thần ấy tới nhân dân trên địa bàn. Cùng với việc ban hành nhiều văn bản định hướng công tác giáo dục thông qua các hoạt động ngoại khóa như: Tọa đàm, giao lưu, triển lãm tranh chủ đề biển, đảo và bộ đội Hải quân...
Trong tháng 3 và 4/2021, toàn huyện đã xây dựng được 25 cột mốc Trường Sa ở 25 trường học bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Là địa phương miền trung du, không có biển, nhưng tính đến nay, Cẩm Khê là địa phương có số mô hình cột mốc Trường Sa nhiều bậc nhất cả nước. Bên cạnh đó, khoảng 80 trường học trên địa bàn huyện cũng trồng và chăm sóc những cây bàng quả vuông được mang về từ Trường Sa.
Cũng tại hội nghị, Thượng tá Vũ Hữu Kiêm đã thông tin đến gần 1.200 lượt cán bộ, giáo viên, học sinh Trường THCS Phương Xá về cách nhận biết và xác định vùng nội thủy, đường cơ sở, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam theo Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1992; cơ sở pháp lý và thực tiễn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; vai trò, tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; truyền thống của Hải quân Nhân dân Việt Nam…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Cù Xuân Ân, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê chia sẻ, đây là một trong nhiều hoạt động hướng về biển, đảo Tổ quốc của các nhà trường. Trong những năm qua, ngành giáo dục đã phối hợp với nhiều lĩnh vực, ngành nghề tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa trong tuyên truyền và chia sẻ, ủng hộ tinh thần của bộ đội Hải quân qua những hành động cụ thể. Trong các dịp lễ Tết, địa phương đã gửi nhiều đặc sản, như: chè, miến, mì… ra quần đảo Trường Sa, làm quà cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Thời gian tới, sẽ có thêm nhiều hoạt động thiết thực mang tính định hướng, giáo dục tinh thần yêu nước tới học sinh và nhân dân địa phương.
Đại tá Phan Ngọc Quang, Chính ủy Lữ đoàn 685, Vùng 4, Hải quân đã di chuyển chặng đường khá xa từ Cam Ranh, Khánh Hòa ra Hà Nội và đến với vùng đất Cẩm Khê để tham dự sự kiện. Trong phần giao lưu với các em học sinh, anh mang theo quà tặng đầy ý nghĩa là những lá cờ Tổ quốc bạc màu từng tung bay ở Trường Sa, sau khi xong nhiệm vụ, được hạ xuống đã theo chuyến tàu trở về đất liền để lưu lại tại các trường học. Mô hình cột mốc chủ quyền, ốc biển, cây bàng quả vuông, tranh ảnh… cũng là những món quà ý nghĩa được bộ đội Hải quân tặng các nhà trường dịp này.
Vẻ đẹp quê hương Cẩm Khê qua những vành nón lá là món quà địa phương gửi tặng hậu phương cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa, thể hiện tình cảm sẻ chia, gắn bó từ trong đất liền. Hàng nghìn em học sinh sau khi cùng thực hiện màn đồng diễn tiết mục hát múa “Tổ quốc gọi tên mình”, xem phóng sự về các hoạt động tuyên truyền chủ quyền biển, đảo; tận mắt ngắm lá cờ Tổ quốc từ Lữ đoàn tàu ngầm 189 Hải quân và cá nhân Đại tá Phan Ngọc Quang đã không giấu nổi xúc động. Các thầy cô giáo cho biết, nhiều học sinh còn chưa được đến biển nhưng đã nỗ lực học tập, rèn luyện để vươn tới ước mơ trở thành người chiến sĩ Hải quân, bảo vệ vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.