Luật Quốc phòng (sửa đổi) được xây dựng trên quan điểm: Giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân, dân quân tự vệ và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Phiên họp quốc hội. Ảnh: Quang Vinh.
Trong phiên họp toàn thể tại hội trường sáng 10/11, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi).
Lý giải về sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Quốc phòng (sửa đổi), Tờ trình của Chính phủ cho biết, Luật Quốc phòng được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực từ ngày 1/1/2006.
Sau hơn 10 năm thực hiện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc chưa được thể chế và cụ thể hóa. Một số nội dung của Luật Quốc phòng năm 2005 chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quốc phòng. Nhiều nội dung về hoạt động quốc phòng còn đang được điều chỉnh ở văn bản quy phạm pháp luật tính pháp lý không cao, hoặc chưa được điều chỉnh, hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ. Quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Luật Quốc phòng (sửa đổi) là cần thiết.
Dự án Luật được xây dựng trên quan điểm là: Giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân, dân quân tự vệ và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Thể chế quan điểm, chủ trương mới của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, bảo đảm tính hợp hiến và thống nhất của Luật Quốc phòng với các quy định của pháp luật có liên quan. Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn và quy định của pháp luật hiện hành về quốc phòng; bảo đảm tính kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật hiện hành về quốc phòng. Xây dựng Luật Quốc phòng (sửa đổi) theo hướng là luật khung, chỉ quy định mang tính nguyên tắc, chính sách lớn về quốc phòng, bảo đảm hợp hiến, phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành về quốc phòng, an ninh và pháp luật có liên quan...
Dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) được xây dựng gồm 7 chương với 46 điều, quy định chính sách quốc phòng, nguyên tắc, hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng.
Báo cáo Thẩm tra dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khẳng định sự nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Quốc phòng năm 2005 như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ Tổ quốc, khắc phục những bất cập trong thực hiện luật hiện hành và bảo đảm sự đồng bộ, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật cần bám sát quan điểm sửa đổi Luật và nghiên cứu những nội dung có liên quan đến lĩnh vực quốc phòng để bảo đảm tính khả thi, bao quát của dự án Luật; làm rõ những tồn tại, vướng mắc và đánh giá tác động một số chính sách mới; tiếp tục nghiên cứu rà soát chỉnh lý lại bố cục, nội dung cho phù hợp và tránh chồng chéo các nội dung;...