Như đã đưa tin, Bộ Xây dựng vừa có quan điểm về việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đó là không thúc đẩy triển khai dự án vào lúc này, phấn đấu có thể khởi công sớm nhất vào năm 2021, khi điều kiện kinh tế xã hội chung của đất nước cho phép. Tuy nhiên, dưới góc nhìn về kiến trúc, theo KTS Trần Huy Ánh là “không nên làm vội”.
KTS Trần Huy Ánh.
PV:Thưa, ông đánh giá như thế nào về việc chúng ta sẽ cho xây dựng một Bảo tàng Lịch sử Việt Nam với chi phỉ khoảng 11 nghìn tỷ trong giai đoạn hiện nay?
KTS Trần Huy Ánh: Đúng là số tiền 11 nghìn tỷ không hề nhỏ, nếu trả lời nhanh thì tôi sẽ trả lời là chúng ta nên tạm dừng lại đã. Trong một thành phố, việc xuất hiện các bảo tàng là thể hiện sự đẳng cấp và văn hóa của thành phố đó.
Đây cũng là một nhu cầu tiến hóa của đô thị khi lưu giữ lại những câu chuyện lịch sử và truyền thống văn hóa.
Tuy nhiên trong mỗi hoàn cảnh khác nhau thì sẽ có những ưu tiên khác nhau. Do đó, trong chuyện này việc ưu tiên xây dựng bảo tàng là chưa cấp thiết lắm.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc xây dựng bảo tàng là quá tốn kém. Hiện nay, các bảo tàng đang có vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả thì việc xây dựng bảo tàng mới chúng ta nên tạm dừng lại. Khi nào cảm thấy thực sự cần thiết mới nên suy nghĩ về vấn đề này.
Ví dụ như Bảo tàng Hà Nội trước đó cũng có những đề án trưng bày rất quy mô, cùng với nhiều tiếng nói của các giới cho rằng rất cấp bách phải cho ra đời bảo tàng này. Nhưng khi thực tế khi xây dựng xong rồi lại không tìm đâu ra được những hiện vật để trưng bày.
Chưa kể đã có rất nhiều đợt kêu gọi trưng bày nhưng cho đến nay đã là 10 năm thực tế vẫn rất vắng vẻ, không hấp dẫn và thiếu sức sống.
Nhìn vào những sự việc như vậy thì chúng ta cũng có thể đồng thuận với nhau rằng việc xây dựng bảo tàng mới mà không rõ về nội dung và phương án trưng bày thì cũng không nên làm vội.
Mô hình Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Theo ông lý do nào khiến cho các bảo tàng hiện nay thường không hấp dẫn được du khách?
- Đứng trước thực trạng hiện nay về bảo tàng thì các cấp lãnh đạo Nhà nước cũng có những văn bản yêu cầu ngành bảo tàng phải đổi mới phương pháp tiếp cận và hoạt động.
Tuy nhiên, 10 năm sau khi có văn bản đó ra đời thì các bảo tàng vẫn tiến bộ rất chậm. Đến cả những chuyên gia hàng đầu về bảo tàng cũng nói rằng lấy những hiện vật cũ ra, bày theo cách mới nhưng vẫn chưa được ổn.
Việc tiếp cận thông tin bây giờ rất đa dạng, cả về nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình chiếu, ánh sáng, âm thanh, hội họa… đã làm cho cái nhìn của công chúng về bảo tàng khắt khe hơn. Điều này đòi hỏi cao hơn về bảo tàng chứ không thể cổ lỗ như cách đây 3, 40 năm được.
Tôi nghĩ rằng các bảo tàng nếu không tự đổi mới mình để bắt kịp với sự phát triển của xã hội thì sự thờ ơ của nhân dân là điều phải chấp nhận.
Vậy ông đánh giá như thế nào về việc quy hoạch các bảo tàng hiện nay ở Hà Nội?
- Về số lượng chúng ta cũng đã biết là có khoảng 30 bảo tàng thuộc quyền quản lý của nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội. Nhưng trên thực tế lượng khách đến thăm cũng chỉ có trên đầu ngón tay tầm 2 – 3 cái như: Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ và một vài bảo tàng tư nhân khác…
Còn lại hầu hết các bảo tàng hiện nay đều vắng vẻ, đều sử dụng sai mục đích hoặc tồn tại nhưng rất èo ợt. Đặc biệt là các khối bảo tàng về quân sự, tôi thấy quá nhiều.
Trước đây, Bảo tàng Quân đội vốn vẫn rất hấp dẫn với thời chúng tôi còn nhỏ. Nhưng bây giờ, khi tôi đưa con cháu trong nhà tôi đến thì các cháu thấy rất thất vọng, có động viên mấy thì các cháu cũng không đi tiếp nữa. Khi một bảo tàng lớn như thế còn không hấp dẫn thì những bảo tàng khác sẽ thế nào?
Có một thực tế là đa phần các bảo tàng hiện nay dường như chỉ nghĩ đến việc xây dựng vỏ trước trong khi nội dung thì lại không được quan tâm. Vậy có hay không chuyện “chạy đua theo cái vỏ bề ngoài” mà quên đi những cốt lõi bên trong?
- Đây không phải là chạy đua để hấp hẫn du khách mà là thái độ đối với vật chất và của cải xã hội. Đây chính là việc làm vô cùng lãng phí, không có trách nhiệm của chính các đơn vị mà vận động xây dựng bảo tàng mà không biết dùng để làm gì.
Bất cứ công trình đầu tư nào dù từ bất kỳ nguồn vốn nào thì việc đầu tiên chúng ta cần phải quan tâm đó là mục đích đầu tư. Khi chưa chứng minh được việc bảo tàng xây xong để làm gì, phải trưng bày như thế nào, có hấp dẫn du khách không… hay là vẫn xây dựng theo phong cách mới nhưng cách trưng bày thì vẫn cũ thì đây là việc không nên làm.
Những bảo tàng của tư nhân tuy chi phí chưa lớn nhưng người ta cũng đã có những sự đầu tư, tâm huyết. Điều này chứng tỏ bản thân chúng ta không cần đến những công trình lớn nhưng vẫn có thể thu hút được người dân.
Kể cả những nơi xa xôi hay ngõ ngách người ta vẫn tìm đến thì chúng ta phải đặt ra câu hỏi để cho những người trong quản lý về bảo tàng cần phải suy nghĩ.
Trân trọng cảm ơn ông!
KTS Ngô Doãn Đức- Chủ tịch Liên đoàn Tư vấn Kiến trúc Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Tôi không ủng hộ chuyện xây dựng bảo tàng vào thời điểm này. Vấn đề ở đây không phải là cần hay không cần, mà quan trọng là thời điểm xây dựng nó. Đây là một câu chuyện mà chúng ta phải suy nghĩ. Chúng ta bây giờ vốn ngân sách đối với số tiền 11 nghìn tỷ quả là nặng, trong khi đó rất nhiều thứ còn ngổn ngang. Như giao thông, trường học, bệnh viện… đang là những công trình rất cần tiền. Chúng ta cũng cần phải thẳng thắn nhìn vào thì sẽ thấy hoạt động của bảo tàng hiện nay có lượng người đến xem rất ít, nếu như không muốn nói là buồn tẻ. Bên cạnh đó, cơ sở về bảo tàng hiện nay chưa được tận dụng một cách tốt nhất. Nếu không nói tới những bất cập như tính hiệu quả với cộng đồng là rất thấp. Vậy mà chúng ta lại hăm hở xây dựng một bảo tàng trong khi vốn hạn hẹp thì nó chưa phải lúc. Chúng ta cũng không nên vì những lý do như đã có mặt bằng, đã có thiết kế thì phải xây. Ở đây cần nên đánh thức những bảo tàng hiện có vì hiện nay các đơn vị này còn tồn tại nhiều bất cập. Hãy bình tĩnh hơn mà lùi một bước chứ đừng sốt ruột, đừng để lãng phí các bảo tàng hiện có. Phạm Quý(ghi) |