“Trong thời gian vừa qua, các nước phát triển đã dựng hàng loạt hàng rào kỹ thuật. Đầu tiên là chúng ta nhận thẻ vàng về xuất khẩu thủy hải sản. Sau đó các nước phát triển dựng các hàng rào về phát thải carbon có hiệu lực chính thức từ tháng 1/2026”.
Đó là cảnh báo của PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và môi trường, về những thách thức khi doanh nghiệp Việt không chuẩn bị ESG trong sân chơi thương mại toàn cầu.
Cảnh báo này được đưa ra tại toạ đàm “Net Zero - Cam kết và hành động vì tương lai bền vững" do Báo Dân Trí tổ chức chiều 22/5.
ESG gồm Environmental (môi trường), Social (xã hội), Governance (quản trị) là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đây là bộ tiêu chuẩn đo lường định hướng, hoạt động của một doanh nghiệp ở các phương diện môi trường, xã hội và quản trị, sẽ giữ vai trò quan trọng, đảm bảo trạng thái phát triển bền vững trong dài hạn cho tổ chức và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Theo các báo cáo, cả thế giới đang chung tay hướng tới phát triển bền vững. Còn tại Việt Nam, quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, việc xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững càng có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình này.
Tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 và lần thứ 28, Việt Nam đã thể hiện những cam kết mạnh mẽ trong việc hướng tới phát triển bền vững, trong đó có nội dung: đưa ra tuyên bố đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện nay, cuộc chơi của thế giới đã thay đổi theo hướng chuyển sang yêu cầu về giảm phát thải, yêu cầu về đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng toàn cầu gồm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động đến môi trường, hạn chế giảm tổn thất liên quan đến đa dạng sinh học.
Vị chuyên gia này nêu ra thực trạng, trong thời gian vừa qua, các nước phát triển đã dựng hàng loạt hàng rào kỹ thuật. Đầu tiên là chúng ta nhận thẻ vàng về xuất khẩu thủy hải sản. Sau đó các nước phát triển dựng các hàng rào về phát thải carbon có hiệu lực chính thức từ tháng 1/2026. Từ ngày 1/1/2025, Việt Nam muốn xuất khẩu nông sản thì phải chứng minh được hàng hóa đó xuất phát từ việc không phá rừng sau 31/12/2024.
"Các nước phát triển xây dựng biên giới carbon, rừng, nhựa ảnh hưởng doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam. Doanh nghiệp Việt không chuẩn bị thì sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Lúc này, cần sự dũng cảm, mạnh mẽ của Việt Nam vào cuộc chơi toàn cầu. ESG là bài toán bắt buộc. Châu Âu giờ đã buộc báo cáo phát triển bền vững. Thời gian chúng ta không còn nhiều”, ông Thọ cảnh báo và cho rằng Chính phủ cần khuyến khích các doanh nghiệp báo cáo ESG để tăng uy tín quốc gia.