Việc thành lập đặc khu kinh tế là cần thiết, song nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, phát triển các đặc khu kinh tế thời điểm này có vẻ hơi muộn và nếu không có những chính sách đột phá để thu hút đầu tư sẽ rất khó có sức hấp dẫn.
Đặc khu cần có cơ chế thông thoáng để đột phá.
Có theo kịp xu hướng?
Không thể phủ nhận diện mạo của Phú Quốc đã có sự thay đổi rất chóng vánh khi được đón nhận nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi. Từ một nơi hoang sơ, Phú Quốc đã lột xác trở thành địa điểm thu hút du lịch hấp dẫn.
Tại Phú Quốc, rất nhiều tập đoàn bất động sản lớn trong nước và quốc tế đã thâm nhập với những thương hiệu như Vingroup, SunGroup, CEO Group, Novotel, Marriott... tạo dựng nên những khu resort, khách sạn, condotel sang trọng đẳng cấp thế giới.
Đi kèm với đó là những công trình giải trí tiêu chuẩn quốc tế như vườn thú Safari, du thuyền Marina, cáp treo và trong tương lai sẽ có thêm các khu casino trị giá hàng tỉ USD.
Đảo Phú Quốc chính là một trong 3 nơi dự kiến xây dựng thành đặc khu kinh tế (bao gồm Vân Đồn và Bắc Vân Phong) được kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế vững mạnh, thay da đổi thịt trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn, các đặc khu kinh tế được thành lập quá muộn so với mô hình của các nước đã được thành lập từ trước đó rất lâu.
Nếu không có những chính sách đột phá, các đặc khu kinh tế sẽ khó có thể đảm nhiệm vai trò trở thành đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế nước nhà phát triển mạnh mẽ.
Mặc dù thừa nhận, Phú Quốc đã đi trước một bước và đang có những bước chuyển mình đáng khích lệ, song theo nhận định của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, nhà quản lý cần có cái nhìn tổng thể khi làm đặc khu kinh tế để tránh “vụn vặt”.
Bởi theo vị chuyên gia này, mô hình đặc khu đã hơi cổ điển. Hiện nay, với xu hướng phát triển của thời đại, nền kinh tế với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, các nước đang hình thành những trung tâm thương mại lớn, hiện đại thay vì đi vào xây dựng các đặc khu kinh tế.
Cũng theo ông Dương Trung Quốc, những trung tâm thương mại như Thượng Hải của Trung Quốc nhằm thu hút những tinh hoa về công nghệ, tài chính của thế giới, đó là xu hướng của thời đại.
Với cách làm hiện nay, khi Việt Nam vẫn đang tìm cách đưa ra những chính sách ưu tiên nhằm thúc đẩy phát triển các đặc khu kinh tế, vị chuyên gia này cho rằng, Việt Nam vẫn lấy những mô hình cũ rồi có chút “cải biên”, chứ chưa tìm ra mô hình mới thích hợp.
Nhất là trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang đứng trước ngưỡng của sự thay đổi rất to lớn, đặc biệt về khoa học công nghệ.
Cần có tính vượt trội
Rất ủng hộ việc nhà quản lý đang tìm một mô hình kinh tế đột phá để dẫn dắt nền kinh tế, song ông Quốc cho rằng, mô hình đặc khu kinh tế chúng ta vẫn nhắc đến như Thâm Quyến, Singapore đã trở thành lỗi thời, giờ đây “đi lại” là rất khó thành công.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Toàn, phó chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, việc hình thành các đặc khu kinh tế mà Việt Nam đang thực hiện dường như là bước đi quá muộn so với mô hình đặc khu kinh tế của các nước trong khu vực.
Mục tiêu của các đặc khu kinh tế được thành lập là thu hút đầu tư, từ đó lớn mạnh và lan tỏa ra các địa phương lân cận.
Tuy nhiên, theo ông Toàn, hiện nay các DN đầu tư nước ngoài cũng đã và đang nhận được nhiều ưu đãi khi đầu tư vào Việt Nam.
Do đó, với các đặc khu kinh tế mới thành lập, các chính sách ưu đãi về thuế phí, đất đai… phải có những đột phá và vượt trội hơn hẳn so với các địa phương đang rất mở cửa thu hút đầu tư hiện nay.
Có như vậy thì mới đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Giới chuyên gia kinh tế cũng nêu quan điểm, khi các đặc khu kinh tế hình thành, điều mà các DN đặc biệt quan tâm những chính sách được đưa ra tại các đặc khu kinh tế có vượt trội, đột phá hay không.
Theo đó, thủ tục hành chính, các quy định và các ưu đãi phải có những đột phá so với quy định hiện hành tại khu vực nội địa bên ngoài đặc khu, sát với cơ chế thị trường.
Điều đó cũng có nghĩa, nền kinh tế thị trường chuẩn mực sẽ phải được xây dựng tại các đặc khu này.