Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (Nghị quyết 27) cho thấy: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27, công tác xây dựng đội ngũ trí thức đã đạt được nhiều kết quả: Nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng về vai trò, vị trí của trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác trí thức đã được nâng lên; sự gắn bó mật thiết giữa Đảng và Nhà nước với trí thức, giữa trí thức với Đảng và Nhà nước ngày càng được tăng cường; đội ngũ trí thức Việt Nam đã phát triển nhanh về số lượng, chất lượng được nâng lên...
Tuy nhiên, qua tổng kết cũng chỉ rõ: công tác xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vẫn còn một số hạn chế: Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết còn vướng mắc; giữa các ngành, các cấp thiếu sự thống nhất và chưa kịp thời, chưa thường xuyên; một số cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở còn thiếu trách nhiệm trong việc trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra việc thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết. Một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm có tiềm năng, lợi thế còn thiếu đội ngũ trí thức trình độ cao, trí thức đầu ngành để đào tạo đội ngũ kế cận…
Tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Trong mọi thời đại và ở bất cứ quốc gia nào, đội ngũ trí thức luôn luôn là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia, dân tộc”.
PGS.TS Bùi Thị An (ĐBQH khoá XIII), hiện là Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội bày tỏ vui mừng khi Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII bàn về xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới. Theo bà An: Việc Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đánh giá khách quan, toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức, chỉ ra những kết quả chủ yếu đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; phân tích, dự báo bối cảnh tình hình mới từ đó đề ra quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đội ngũ trí thức thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng với đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay.
Song, cũng theo bà An, vừa qua dù đội ngũ trí thức đã được quan tâm nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của đội ngũ trí thức; Thiếu đột phá trong sử dụng đội ngũ trí thức. “Một sinh viên học ngành y mất 6 năm, rồi 18 tháng thực tập nhưng ra trường lương được 5,5 triệu đồng/tháng. Như thế làm sao trí thức trẻ có thể yên tâm trong khi khu vực tư nhân trả lương cao gấp nhiều lần? Còn về tinh thần thì một số nơi chưa tạo điều kiện, coi trọng đội ngũ trí thức, tạo môi trường làm việc bình đẳng. Chưa kể nhiều trí thức nghỉ hưu, có chất xám cũng chưa được tận dụng “khai thác”. Đó là một sự lãng phí chất xám trong khi chúng ta đang cần hiền tài”.
Từ đó, theo bà An, Trung ương cần làm rõ những nguyên nhân, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức. Từ đó ban hành Nghị quyết mới để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua; xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới với những chương trình cụ thể trong từng giai đoạn, từng năm, phù hợp với đặc thù của từng ngành, từng địa phương. Bên cạnh đó cần đánh giá việc thực hiện thì mới tận dụng được chất xám, nguồn lực có chất lượng cao.
PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội cũng nhấn mạnh: “Có khoảng 65% đội ngũ các trí thức, nhà khoa học là GS, PGS, TS đầu ngành trong các lĩnh vực đang công tác và sinh sống tại Hà Nội. Đây là “kho vàng ròng” của cả nước. Do đó cần có chính sách cụ thể để phát huy, thu hút, trọng dụng đội ngũ trí thức. Cần có chính sách kết nối, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ trí thức từ các trường đại học, viện nghiên cứu, ở trong và ngoài nước để phát huy chất xám của họ, qua đó đóng góp cho sự phát triển của đất nước”- ông Mỳ nói và mong muốn sau hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Trung ương sẽ có nghị quyết mới về xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới nhằm đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.