Để làng nghề phát triển cần có một hành lang pháp lý thuận lợi, một môi trường kinh doanh thông thoáng, phát huy những mặt tích cực, giảm thiểu những mặt hạn chế. Chính vì vậy việc xây dựng Luật Làng nghề là hết sức cần thiết nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa phát triển và bảo tồn trên quan điểm hài hòa lợi ích.
Làng nghề tự bươn chải
Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có khoảng hơn 5.400 làng nghề, miền Bắc chiếm gần 40%, tập trung nhiều nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng với khoảng 1.500 làng, trong đó khoảng 300 làng đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Trải qua lịch sử hình thành hàng trăm năm, đây là nơi sản sinh và lưu giữ nghề truyền thống với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc, cùng với đó là những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc, di sản..., mang đến tiềm năng to lớn để phát triển du lịch.
Năm 2000, Chính phủ ban hành Quyết định 132 về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn. 6 năm sau, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 66/2006 về phát triển ngành nghề nông thôn. Đến nay, với sự phát triển và hội nhập sâu rộng của đất nước, phát sinh nhiều vấn đề vướng mắc cần giải quyết như vấn đề bảo vệ môi trường tại các làng nghề; Vấn đề gìn giữ các giá trị văn hóa của các làng nghề; Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng và tôn vinh nghệ nhân, những “báu vật nhân văn sống” của xã hội…
Giới chuyên gia nhận định, lâu nay, làng nghề chưa được đặt vào vị trí trung tâm khi xây dựng chính sách; không có sự thống nhất về quản lý nhà nước; hoạt động làng nghề chủ yếu dựa vào các quyết định sẵn có gây ra nhiều bất cập như: Cấp độ pháp lý chưa đủ mạnh; chính sách không dành riêng, không thành các gói cụ thể mà vận dụng từ các đối tượng khác…
Theo nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Thượng Sách, đa số các làng nghề tự bươn trải dẫn đến mạnh ai nấy làm. Bên cạnh đó, vấn đề về môi trường trong các làng nghề luôn nhức nhối.
Cần thiết tạo hành lang pháp lý
Theo GS.TS Từ Thị Loan - Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sự phát triển bền vững của ngành thủ công mỹ nghệ. Để tạo được bước đột phá, phải có những bước đi kiên quyết, đảm bảo một hành lang pháp lý thuận lợi, một môi trường kinh doanh thông thoáng, phát huy những mặt tích cực, giảm thiểu những mặt hạn chế trong thời gian qua.
“Trước hết, cần xây dựng và ban hành Luật Làng nghề để điều chỉnh mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, lợi ích cộng đồng và lợi ích quốc gia. Luật Làng nghề sẽ đảm bảo cho sự phát triển bền vững của các làng nghề Việt Nam, trong đó có nghề thủ công mỹ nghệ. Cần tiếp tục ban hành các chính sách khuyến khích phát triển nghề và sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Hoàn thiện công tác quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủ công mỹ nghệ trong cả nước. Hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong ngành thủ công mỹ nghệ” - bà Loan nói.
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế thị trường hiện nay, làng nghề phải liên tục vận động để thích ứng. Định hướng phát triển thương hiệu cho sản phẩm làng nghề một cách ổn định, lâu dài và bền vững, tạo cơ hội cho người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống.
Nghệ nhân Nguyễn Thượng Sách cho biết, cần thiết xây dựng Luật Làng nghề. Hiện nay các làng nghề vẫn phát triển tự phát, cũng có quy hoạch nhưng trong quy hoạch đó còn nhiều vấn đề cần giải quyết như đất quy hoạch cho làng nghề nhiều khi sử dụng không đúng, người cần đất đôi khi không có và ngược lại; Môi trường là vấn đề nhức nhối; các làng nghề chưa theo kịp áp dụng khoa học kỹ thuật…
Nhìn từ góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, thực hiện pháp luật là một trong những nội dung quan trọng nhằm thay đổi thói quen, lề lối hoạt động của làng nghề và nó cũng là cơ sở pháp lý để đưa sản phẩm của làng nghề vào quá trình hội nhập quốc tế một cách sâu rộng.
“Cần có một hành lang pháp lý thuận lợi, một môi trường kinh doanh thông thoáng, phát huy những mặt tích cực, giảm thiểu những mặt hạn chế. Việc ban hành các quy định pháp luật phù hợp với tình hình thực tế làng nghề tại nước ta hiện nay sẽ góp phần làm thay đổi tích cực vào sự phát triển và hội nhập của làng nghề trong tương lai” - ông Tùng nói.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu có Luật Làng nghề sẽ mang lại những tác động tích cực về kinh tế - xã hội. Cụ thể, sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống, hạn chế thấp nhất tình trạng thất truyền hoặc mai một những nghề truyền thống có giá trị cao về văn hóa; thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, khai thác lợi thế so sánh và những tiềm năng sẵn có của mỗi địa phương, giảm tình trạng ly nông, ly hương, di dân đến các đô thị vì mưu sinh.