Xây dựng Luật Thủ đô không phải cho riêng Thủ đô mà cho cả nước

Việt Thắng 10/11/2023 19:41

Chiều 10/11, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Quốc hội đã về tổ thảo luận về dự án luật trên.

Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là dự án Luật có tầm quan trọng đặc biệt. Vì Hà Nội là một đô thị đặc biệt, đồng thời Hà Nội là Thủ đô của cả nước. Đô thị đặc biệt có thể có nhiều nhưng Thủ đô chỉ có một.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh rằng, Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định Thủ đô là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế. Hà Nội cũng được xác định là bộ mặt, trái tim của cả nước với nhiều danh hiệu được thế giới trao tặng. Vì vậy, Luật Thủ đô sửa đổi lần này cần phải thể chế hóa được Nghị quyết của Trung ương về vị trí, vai trò, định hướng, nhiệm vụ phát triển của Hà Nội để thúc đẩy, tạo động lực dẫn dắt Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. “Xây dựng Luật Thủ đô không phải cho riêng Thủ đô mà thực chất cho cả nước theo tinh thần Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”-Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, lần sửa đổi này cũng có thuận lợi khi Quốc hội đã ban hành nghị quyết đặc thù cho TP Hồ Chí Minh với 44 chính sách, trong đó có 27 chính sách hoàn toàn mới so với các địa phương khác trong toàn quốc để có thể cụ thể hóa phù hợp cho Thủ đô.

Bên cạnh đó, về số lượng đại biểu HĐND TP Hà Nội, dự thảo Luật đề xuất tăng từ 90 lên 125 đại biểu. Qua nghiên cứu, đề xuất này hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết của Trung ương vì khi không tổ chức HĐND cấp phường, Hà Nội giảm 6.000 người, mà chỉ đề xuất tăng 35 người cho HĐND thành phố. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND thành phố, việc phân cấp, phân quyền cho HĐND thành phố là cần thiết thí điểm để sau này tổng kết, đánh giá. Tới đây, cần nghiên cứu thể chế hóa, quy định một số quyền hạn riêng, phù hợp cho Thường trực HĐND.

ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn Bắk Kạn) nhìn nhận rằng, sửa đổi Luật Thủ đô lần này để khai thác những tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội khi Luật Thủ đô năm 2012 chưa phát huy hết được những lợi thế của Hà Nội trong thu hút đầu tư, phát huy những thế mạnh sẵn có. Nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”.

Liên quan đến vấn đề văn hoá thể thao, bà Ngân đề nghị cần có chế độ cao để thu hút người có tài năng xuất sắc, thu hút các huấn luyện viên, vận động viên có thành tích cao, các nghệ nhân làng nghề gắn với giữ gìn các vật thể văn hoá. Làm sao để các nghệ nhân tại các làng nghề có thể hành nghề và truyền dạy cho thế hệ sau để giữ được các nghề truyền thống.

Đề cập đến chế độ chính sách bà Ngân đồng tình với mức chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô, một số cơ quan ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn cao hơn so với mức chi hiện nay nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Đặc biệt cần cụ thể hoá Nghị quyết 15 về việc chăm sóc y tế, sức khoẻ nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng Luật Thủ đô không phải cho riêng Thủ đô mà cho cả nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO