Mức giảm trừ gia cảnh cần được tính toán dài hơi sao cho phù hợp và hợp lý trên cơ sở thực tiễn và những nghiên cứu khoa học cụ thể trước khi đưa ra quyết định.
Liên quan đến thuế TNCN, ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, Ủy viên Ban chấp hành Hội Tư vấn thuế Việt Nam bày tỏ: Để xây dựng mức giảm trừ gia cảnh hợp lý phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan cần được xem xét và tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo khoan thư sức dân, nhưng vẫn động viên thu ngân sách phục vụ các mục tiêu phát triển đất nước và an sinh xã hội.
Với ý kiến mức giảm trừ gia cảnh nên quy định căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng để mỗi khi tăng lương, mức giảm trừ cũng tự động tăng theo. Ông Được cho rằng, việc xây dựng mức giảm trừ gia cảnh theo mức lương tối thiểu vùng có những ưu điểm nhất định. Tuy nhiên, để thực hiện theo phương án này cũng có nhiều khó khăn và không ít bất cập. Bởi lẽ luật ban hành phải có tính ổn định trong một thời gian để thuận tiện cho việc thực thi áp dụng. Mặt khác, nếu căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng để tính thuế TNCN từ tiền lương tiền công rất phức tạp, khi quyết toán thuế. Ví dụ như địa điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế tại một nơi, nhưng thu nhập lại phát sinh tại nhiều nơi, mức chi tiêu tại các nơi cũng khác nhau…
Vì vậy, nếu quy định mức giảm trừ gia cảnh theo mức lương tối thiểu vùng là chưa hợp lý, gây khó khăn cho người nộp thuế khi xác định. Hơn thế nữa cũng sẽ phát sinh hiện tượng lợi dụng chính sách khi lựa chọn mức giảm trừ gia cảnh có lợi nhất khi có nhiều nơi phát sinh thu nhập…
Bên cạnh đó, mức lương tối thiểu vùng thường chỉ áp dụng để tính các chế độ bảo hiểm bắt buộc cho người lao động và là cơ sở trả lương cho cán bộ công chức. Trong khi đó, mức lương của khối tư nhân thì theo thị trường lao động quyết định, nên không phụ thuộc vào mức giảm trừ gia cảnh. Vì thế, mức lương tối thiểu vùng chưa phản ánh được mức độ chi tiêu, cũng như thu nhập của người nộp thuế so với phương án lấy chỉ số giá tiêu dùng làm cơ sở thay đổi mức giảm trừ gia cảnh.
“Theo tôi không nên xây dựng mức giảm trừ gia cảnh theo tiền lương tối thiểu vùng để đơn giản thủ tục cho người nộp thuế và tránh những hành vi lợi dụng chính sách. Thay vào đó, Luật Thuế TNCN cần giao cho Chính phủ quyết định thay đổi mức giảm trừ gia cảnh khi chỉ số giá tiêu dùng tăng đến một giới hạn nào đó mà không phải trình Quốc hội cũng như cần xem xét việc tính giảm trừ gia cảnh theo thực tế của người nộp thuế khi có điều kiện chín muồi áp dụng”.
Theo ông Được, về mức giảm trừ gia cảnh hiện nay cho bản thân là 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng, chúng ta phải hiểu đây là mức giảm trừ gia cảnh cho các chi phí cơ bản của người nộp thuế, không phải mức giảm trừ tổng chi phí chi tiêu của người nộp thuế. Đạo lý của thuế TNCN là tính trên thu nhập của người có thu nhập, điều này khác với trước đây là tính thuế trên thu nhập cao. Có nghĩa là, mọi công dân đều có quyền và nghĩa vụ nộp thuế TNCN để thể hiện sự đóng góp của cá nhân với đất nước. Mức giảm trừ gia cảnh này là một phần cấu thành giảm thu nhập tính thuế TNCN bên cạnh các khoản phụ cấp không tính thuế như điện thoại, tiền ăn trưa, tiền đồng phục...
“Tôi cho rằng việc xác định mức giảm trừ gia cảnh cần cân nhắc thận trọng để đảm bảo các mục tiêu trong từng giai đoạn. Theo đó, trong ngắn hạn, tôi cho rằng việc tăng giảm trừ gia cảnh không quá khả thi, vì khi luật thay đổi thì đời sống người nộp thuế lại tăng lên sẽ không phát huy được tác dụng.
Chính vì vậy, chúng ta nên xem xét giải pháp khác để hỗ trợ người nộp thuế thay vì việc cân nhắc mức giảm trừ gia cảnh hiện nay. Thực tế, thời gian qua đã có một số giải pháp tài chính hỗ trợ người nộp thuế gặp khó khăn từ các quỹ bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn… Về lâu dài, mức giảm trừ gia cảnh cần được tính toán dài hơi sao cho phù hợp và hợp lý trên cơ sở thực tiễn và những nghiên cứu khoa học cụ thể trước khi quyết định”, ông Được nêu quan điểm.