Chính trị

Xây dựng nền công vụ liêm chính để chống tham nhũng

H.Vũ 29/12/2023 08:24

Về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội kiến nghị: Siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Theo ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, để có thể xóa bỏ triệt để, tận gốc hành vi tham nhũng thì bên cạnh các giải pháp về huy động sức mạnh tổng hợp tham gia PCTN, hoàn thiện thể chế thì việc xây dựng văn hóa liêm chính, chú trọng giáo dục đạo đức, lương tâm và danh dự là những giải pháp căn cơ và lâu dài.

Ông Sơn cho rằng, việc xây dựng một văn hóa liêm chính có ý nghĩa rất lớn đối với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, PCTN, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Việc xây dựng phẩm chất liêm, chính cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là nền tảng để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, là gốc rễ của công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực.

GS.TS Vũ Công Giao - Trường Đại học Luật, (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng, cần coi trọng giáo dục liêm chính, kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đó là ý thức tự giác chấp hành các quy định về PCTN, phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đạo đức công vụ, xây dựng hướng dẫn khung các Bộ quy tắc ứng xử PCTN, xây dựng các biện pháp bảo đảm thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, tiếp tục hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ để hình thành văn hoá liêm chính như là giải pháp căn cơ để PCTN.

Ông Giao cũng nhấn mạnh phải đẩy mạnh giáo dục liêm chính, hình thành văn hoá nêu gương, nói đi đôi với làm trong cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, văn hoá trọng liêm sỉ, danh dự trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và văn hoá “căm ghét tham nhũng” trong quần chúng nhân dân. Nghiên cứu xây dựng và thực thi có hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn để PCTN.

TS Đinh Văn Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) nêu quan điểm, tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Nguyên chủ yếu do một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sự tham gia của xã hội trong PCTN, tiêu cực còn hạn chế.

Nhấn mạnh đến việc Chính phủ xác định xây dựng, hoàn thiện thể chế là một nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, kiến tạo, phát triển, chỉ đạo kiên quyết gỡ bỏ các rào cản, loại trừ các quy định pháp luật không rõ ràng, minh bạch, có biểu hiện lợi ích nhóm, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân; ông Minh chỉ rõ con người là yếu tố quyết định. Do đó, tại Chiến lược quốc gia PCTN, tiêu cực đến năm 2030 đã đặt ra nhiệm vụ phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, kỷ cương, liêm chính, đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, đổi mới, nâng cao hiệu quả các phương thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN, tiêu cực. Chủ động tham gia vào công tác PCTN, tiêu cực nhằm từng bước xây dựng và hình thành văn hoá liêm chính trong xã hội.

Theo TS Nguyễn Văn Thanh - nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, cần hoàn thiện thể chế về một nền công vụ liêm chính ở việc ngăn chặn tiêu cực trong quản trị nhân lực công ở cả khâu đầu vào và khâu nâng ngạch, liêm chính hoá nền công vụ bằng các bộ quy tắc ứng xử ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu để xã hội dễ giám sát thực hiện, chuyên nghiệp hoá việc thực thi công vụ bên trong nền hành chính nhà nước bằng các bộ quy trình nghiệp vụ chặt chẽ, minh bạch.

Trong khi đó, ông Lê Như Tiến - ĐBQH khoá XIII cho rằng, xây dựng nền công vụ liêm chính để PCTN, tiêu cực vừa là nguyên tắc, vừa là giải pháp. Bởi chống tham nhũng, tiêu cực chính là phải xây dựng nền công vụ liêm chính. Hiệu quả cao nhất chính là công khai minh bạch. Xây dựng Chính phủ liêm chính, hay nền công vụ liêm chính là phải minh bạch hoá các tiêu chí. Nếu vi phạm tiêu chí thì nền công vụ không còn là liêm chính.

“Không có nền công vụ liêm chính thì “mù mờ”, và lợi dụng nền công vụ để trục lợi. Không liêm chính nên người dân xin giấy phép xây dựng, sửa nhà cũng phải lót tay, thậm chí giấy khai sinh, khai tử cũng phải lót tay để nhận cho nhanh, đi bệnh viện hay xin học cho con cũng phải lót tay. Nền công vụ liêm chính là điều chúng ta phải hướng tới. Bởi “ăn lương” thì phải phục vụ dân, chứ không phải “xả xẻo”, “bôi trơn”, bắt dân phải “lót tay” thì mới thực hiện” - ông Tiến nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng nền công vụ liêm chính để chống tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO