Chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2023, Luật Điện ảnh (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ góp xây dựng nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, đảm bảo tính minh bạch, tính khả thi cao cũng như sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Trải qua 14 năm thực thi, Luật Điện ảnh trước sự vận động của đời sống xã hội cùng sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, kỹ thuật số đã bộc lộ nhiều điểm không phù hợp với thực tế.
Trước tình hình đó, năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh và được Chính phủ thông qua với 4 chính sách: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.
Sự ra đời của Luật Điện ảnh (sửa đổi) nhằm lấp đầy những khoảng trống về thể chế, chính sách, trong đó được chú ý nhiều là việc kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm, nhằm quản lý hiệu quả hệ thống phim nhưng không làm thui chột sức sáng tạo của nghệ sĩ.
Kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh năm 2022 được giới chuyên môn đánh giá là có nhiều điểm mới phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Về khái niệm, Luật mới đã kế thừa, sửa đổi, bổ sung các khái niệm thuật ngữ quy định tại Luật Điện ảnh năm 2006 và bổ sung thuật ngữ “Công nghiệp điện ảnh”, “Phân loại phim”, “Phim Việt Nam”, “Trường quay” và “Địa điểm chiếu phim công cộng”. Trong đó, việc sửa đổi, bổ sung khái niệm “Phim” đóng vai trò quan trọng, qua đó xác định rõ những loại sản phẩm nào trong lĩnh vực nghe nhìn được Luật Điện ảnh điều chỉnh.
Về những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh (Điều 9), Luật quy định chi tiết, cụ thể hơn những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ Luật.
Đặc biệt, Điều 41 của Luật quy định về chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam. Đây là nội dung hoàn toàn mới nhằm góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thúc đẩy phát triển điện ảnh, du lịch và các ngành dịch vụ liên quan. Kinh nghiệm một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới cũng áp dụng chính sách ưu đãi này để tạo sức hấp dẫn đối với các tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim.
PGS.TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, văn hóa là lĩnh vực đặc biệt tinh tế và nhạy cảm trong đời sống xã hội, chính vì thế mỗi can thiệp vào văn hóa đều phải tính toán kỹ lưỡng. Câu chuyện tiền kiểm, hậu kiểm cũng tương tự như thế. Hậu kiểm ở đây không có nghĩa là không thực hiện tiền kiểm mà thông qua cơ chế kiểm định đã có, nghệ sĩ sáng tạo có thể biết được mình làm gì, không nên làm gì, từ đó có được sản phẩm phù hợp với xã hội.
“Luật Điện ảnh sửa đổi lần này sẽ tạo điều kiện để chúng ta giải quyết những bất cập đã cản trở sự phát triển của điện ảnh Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng như tạo điều kiện để điện ảnh quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Với Luật Điện ảnh mới, chúng ta sẽ có một nền điện ảnh phát triển, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” - ông Sơn nhấn mạnh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Luật Điện ảnh (sửa đổi) có ý nghĩa tạo nền tảng xây dựng nền điện ảnh Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với quy luật kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Sau khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) có hiệu lực, nền điện ảnh Việt Nam sẽ có cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển.
Có thể thấy, Luật Điện ảnh (sửa đổi) mang tinh thần cởi mở hơn. Với những điểm mới, sẽ là cơ hội hội và điều kiện khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia vào quá trình phát triển công nghiệp điện ảnh, sáng tạo được nhiều tác phẩm giá trị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân và đáp ứng hội nhập quốc tế.