Xây dựng thư viện trong trường học: Mục tiêu cho học tập suốt đời

Thu Trang (thực hiện) 03/10/2015 09:20

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Thực hiện thường xuyên đọc nhiều sách hay, hướng tới đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, chuyển từ trang bị kiến thức kĩ năng cho người học sang phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Xây dựng thư viện trong trường học: Mục tiêu cho học tập suốt đời

Ông Nguyễn Vinh Hiển.

Ngày 2/10, Bộ GD&ĐT phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời 2015 với chủ đề “Chung tay xây dựng thư viện, thường xuyên đọc nhiều sách hay”.

Tại Lễ phát động chương trình, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người học tập suốt đời là một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Nhân dịp này, PV ĐĐK đã trò chuyện với Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.

PV: Xin ông cho biết ý nghĩa của Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời 2015, với chủ đề “Chung tay xây dựng thư viện, thường xuyên đọc nhiều sách hay” có ý nghĩa như thế nào đối với ngành giáo dục Việt Nam?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời là hoạt động thường niên hàng năm để chúng ta thường xuyên củng cố nhận thức mọi người về ý nghĩa của học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Và mỗi một năm, tùy theo nhiệm vụ, đặc điểm của năm đó mà Bộ GD&ĐT chọn những chủ đề khác nhau.

Năm nay Bộ GD&ĐT chọn chủ đề “Chung tay xây dựng thư viện, cùng nhau đọc nhiều sách hay”. Thực hiện thường xuyên đọc nhiều sách hay, hướng tới đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, chuyển từ trang bị kiến thức kĩ năng cho người học sang phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Chúng ta cần phải động viên văn hoá đọc. Mọi người có khả năng biết chọn sách, yêu sách, biết đọc những điều trong sách một cách bổ ích nhất. Việc này hướng đến xã hội học tập thường xuyên và học tập suốt đời. Bộ GD&ĐT chủ trương phải đổi mới cả hình thức tổ chức phương pháp dạy hoc, kiểm tra đánh giá để làm thế nào coi trọng việc dạy cách học, dạy cách tự học đọc được trong sách, và học tập suốt đời.

Để tiếp tục đẩy mạnh việc học tập suốt đời và đặc biệt là hưởng ứng việc học tập và làm theo lời Bác, trong thời gian tới Bộ GD&ĐT có những chương trình hành động như thế nào?

- Hôm nay chúng ta khởi động một công việc trong chương trình hành động để đẩy mạnh việc học tập suốt đời, và sẽ còn nhiều việc khác phải làm tiếp theo. Bộ GD&ĐT muốn cùng Bộ VHTT&DL triển khai đề án xây dựng thư viện trường học. Từ thư viện trường học nhân rộng hơn thư viện ở tất cả các địa phương, từ phong trào đọc sách trong nhà trường làm nòng cốt, có phong trào đọc sách trong toàn dân.

Chúng ta cũng muốn rằng các thư viện thì được sự chăm lo của tất cả mọi người, không phải chỉ có các thầy cô giáo, các em học sinh xây dựng thư viện mà các phụ huynh học sinh, mọi người dân cùng chăm lo xây dựng thư viện. Đồng thời được hưởng những lợi ích từ thư viện mà chính mình xây dựng nên.

Xây dựng thư viện trong trường học: Mục tiêu cho học tập suốt đời - 1

Các em học sinh đang chọn sách.

Cụ thể là những công việc gì, thưa ông?

- Trong đề án sẽ có những việc như chúng ta nâng cao hiểu biết người dân thông qua tuyên truyền, giải thích, thông qua những hoạt động bằng nhiều cách khác nhau để thấy được lợi ích từ sách. Bộ GD&ĐT cũng chủ trương phát động những phong trào toàn dân chăm lo cho tủ sách nhà trường, mà bắt đầu bằng phong trào mô hình xây dựng thư viện, tủ sách phụ huynh trong mỗi lớp học.

Bộ GD&ĐT cũng sẽ tập huấn các cán bộ giáo viên biết cách đổi mới hình thức tổ chức phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá để sử dụng thế nào có hiệu quả nhất thư viện nhà trường. Bộ GD&ĐT cũng sẽ hướng dẫn những cách cho phụ huynh học sinh đọc sách, cho anh chị ở nhà đọc sách cho em…

Chắc hẳn trong cuộc đời mình Thứ trưởng đã đọc rất nhiều sách? Ông có thể cho biết cuốn sách nào khiến ông tâm đắc nhất, hoặc cuốn sách nào đã để lại cho ông nhiều ấn tượng?

- Tôi cũng không biết mình đã đọc bao nhiêu cuốn sách và cũng nghĩ rằng có rất nhiều sách ấn tượng. Có những sách ấn tượng mang cho tâm hồn mình tốt hơn. Có cuốn sách làm cho năng lượng hoạt động của mình tốt hơn. Có cuốn sách làm cho mình có khả năng tự học tốt hơn. Có cuốn sách rèn luyện ý chí của mình tốt hơn. Có những cuốn sách thì giải trí cho mình bớt mệt mỏi trong lúc đi tàu xe chẳng hạn, khi đó đọc sách cũng rất thích. Cũng có cả những cuốn sách mình mang về để chia sẻ cho gia đình, vợ con… Vừa rồi tôi có qua trường THCS Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ, Thái Bình) thấy các em đọc những cuốn sách mà trước đây tôi cũng rất thích, ví dụ như cuốn “Không gia đình”, “Tiếng gọi nơi hoang dã”…

Trước đây tôi cũng say sưa đọc “Thép đã tôi thế đấy” hay “Ruồi trâu”, “Túp lều của bác Tôm”. Những cuốn sách đó làm cho tôi cảm thấy rất vui và thấy sáng tạo hơn rất nhiều.… Những cuốn sách đó làm cho chúng ta tưởng tượng. Lúc này tôi nhớ đến câu nói của Anhxtanh rằng “trí tưởng tượng thì quan trọng hơn trí thức”, mà chính những cuốn sách đó cho chúng ta có nhiều trí tưởng tượng ngay từ tuổi thơ.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Trưởng phòng giáo dục huyện Quỳnh Phụ, Lại Cao Hạnh cho biết: Năm 2005, từ 78 thư viện nhà trường, huyện đã cây dựng thêm 38 tủ sách của Trung tâm Học tập cộng đồng. Năm 2012, có thêm 900 tủ sách ở lớp học, 23 tủ sách dòng họ, 9 không gian đọc. Tính đến nay, huyện Quỳnh Phụ đã có 1.055 thư viện và tủ sách với khoảng 24 vạn bản sách tham khảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng thư viện trong trường học: Mục tiêu cho học tập suốt đời