Kinh tế

Xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam

Khanh Lê 20/05/2025 13:00

Theo các chuyên gia, ngành cà phê Việt Nam muốn có sản lượng lớn, chất lượng ổn định và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, không thể để người nông dân tự chế biến thủ công, nhỏ lẻ.

tren.jpg
Để bảo đảm lợi ích bền vững cho người trồng cà phê, cần nâng tỉ lệ chế biến sâu lên 40-45%. Ảnh: Chu Khôi.

Dự kiến vượt mốc 6 tỷ USD

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm nay đạt 662.900 tấn với 3,78 tỷ USD, giảm 9,8% về khối lượng nhưng tăng 51,1% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho rằng, Việt Nam đang hội nhập rất tốt trong những năm gần đây đối với ngành cà phê. Có nhiều yếu tố góp phần vào thành công này. Về mặt quốc tế, giá cà phê thế giới tăng do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, bất ổn địa chính trị, biến động tỷ giá hối đoái và lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)... Trong khoảng 2 năm qua, giá cà phê liên tục biến động. Sản lượng cà phê của Việt Nam đạt khoảng 1,7-1,8 triệu tấn. Mục tiêu xuất khẩu cà phê trong năm nay có thể vượt mốc 6 tỷ USD.

“Hiện, khoảng 10% sản lượng cà phê được đưa vào chế biến sâu, với giá trị trung bình khoảng 6.000 USD/tấn, góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý, Việt Nam đã bắt đầu sản xuất cà phê đặc sản với giá bán cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với mặt bằng thế giới” - ông Minh cho biết.

Cũng theo ông Minh, hiện nay nội lực của ngành cà phê đang ngày càng được củng cố khi người dân và doanh nghiệp có cách ứng xử chuyên nghiệp hơn với thị trường. Những năm trước, thị trường thường bị mất kiểm soát, giá cả biến động mạnh và phổ biến các hợp đồng giao dịch rủi ro cao. Tuy nhiên, tình trạng này đã được khắc phục đáng kể.

Đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao giá trị

Theo giới chuyên gia, dù có nhiều lợi thế nhưng cà phê Việt Nam vẫn chưa thể tạo dựng được thương hiệu trên thị trường thế giới. Nguyên nhân được ông Nguyễn Quang Bình - chuyên gia thị trường cà phê do chưa đẩy mạnh chế biến sâu để nâng cao giá trị. Cụ thể, Việt Nam có khoảng 1,6-1,8 triệu tấn cà phê/năm nhưng đến 90% sản lượng đến từ các hộ nhỏ lẻ, mỗi vườn chỉ sản xuất vài tấn. Rất hiếm trang trại đạt sản lượng 100 tấn trở lên. Điều này gây nhiều hạn chế trong việc đầu tư chế biến.

Ngoài ra, tiêu thụ nội địa của Việt Nam còn khá yếu. Hiện nay, chỉ khoảng 5-10% tổng sản lượng cà phê được tiêu thụ trong nước, trong khi Brazil sử dụng tới 20-22 triệu bao trong tổng số 60 triệu bao sản xuất được. Nhờ đó, nông dân Brazil có động lực ổn định sản xuất và nâng cao giá trị. Ngược lại, nông dân Việt Nam, với sản lượng chỉ 3-5 tấn mỗi hộ, không đủ điều kiện và khả năng để đầu tư vào chế biến sâu hay chờ đợi mức giá cao. Họ thường phải tự trữ hàng, dẫn đến nhiều bất lợi trong cạnh tranh.

“Dư địa để phát triển cà phê chế biến sâu, cà phê đặc sản và thị trường nội địa vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, những rào cản cố hữu như thiếu vốn, thiếu hỗ trợ từ ngân hàng và chính sách vẫn chưa được tháo gỡ. Ngân hàng cần mạnh dạn hỗ trợ vốn nhiều hơn, chẳng hạn tăng hạn mức từ 5 tỷ đồng lên 6-7 tỷ đồng, để nông dân và doanh nghiệp có thể đầu tư dài hạn”- ông Bình đề xuất.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Dũng- Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) cũng cho rằng, để bảo đảm lợi ích bền vững cho người trồng cà phê, cần nâng tỉ lệ chế biến sâu lên 40-45%. Đồng thời, người trồng cũng cần nâng cao năng lực thị trường, biết phân tích xu hướng, chủ động trữ hàng và bán ra vào thời điểm giá tốt.

“Hiện nay, phần lớn nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, tự phát. Với giá cà phê ở mức khoảng 150.000 đồng/kg xô và 170.000 đồng/kg thành phẩm, nếu người trồng thiếu vốn, không có kỹ năng dự đoán thị trường và kiểm soát chi phí, thì rất khó đảm bảo hiệu quả sản xuất - kinh doanh” - ông Dũng đánh giá.

Theo ông Vũ Văn Thủy - Trưởng Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại phía Nam, việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản và các nước phát triển khác được xác định là yếu tố then chốt để duy trì lợi thế cạnh tranh dài hạn. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển ngành cà phê theo hướng không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp và đất nước, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia, gắn với bản sắc văn hóa tiêu dùng đặc trưng của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam