Việc xây dựng vùng nguyên liệu sạch gắn với mã số vùng trồng có vai trò rất lớn trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên thực tế cho thấy, quá trình thực hiện còn gặp không ít khó khăn do vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ.
Tạo vùng nguyên liệu “sạch”
Với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm, mở cửa thị trường chất lượng cao cho nông sản Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã xây dựng Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025. Đề án chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2022-2023) tập trung thí điểm xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện đề án. Giai đoạn 2 (2024-2025) hoàn thiện các nội dung đề án về khuyến nông, chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ cho hợp tác xã, người dân; phát triển, củng cố, nâng cao năng lực cho hợp tác xã (HTX) và thành viên HTX; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vùng nguyên liệu; phát triển khuyến nông cộng đồng và truyền thông; thực hiện chính sách tín dụng, bảo hiểm, liên kết sản xuất; mở rộng, xây dựng 5 trung tâm logistics; mở rộng thực hiện nội dung khuyến nông cộng đồng.
Đánh giá của Bộ NN&PTNT cho biết, trong giai đoạn 1 triển khai “Đề án thí điểm vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022- 2025” đã có nhiều mô hình hay, lan tỏa tới các địa phương, doanh nghiệp (DN) và HTX như vùng cà phê và sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên; vùng lúa gạo ở ĐBSCL. Sau 1 năm thực hiện Đề án, nhiều mô hình hay đã lan tỏa tới các địa phương, DN và HTX. Từ 132 lớp đào tạo tập huấn và 26 tổ khuyến nông cộng đồng do Bộ NN&PTNT tổ chức, đến nay các địa phương đã bố trí được 400 lớp đào tạo và 149 tổ khuyến nông cộng đồng. Riêng về lúa gạo, với mục tiêu 50.000ha, sau 1 năm đã có 6.000ha đạt tiêu chuẩn vào thị trường cao cấp…
Mặc dù vậy phản ánh từ các địa phương cũng như DN cho thấy, việc quy hoạch, quản lý quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa vẫn còn nhiều vấn đề; việc tổ chức quản trị điều hành, đặc biệt là điều tiết nhu cầu cấp vùng và quản lý nhà nước về phát triển vùng còn nhiều hạn chế. Đáng nói, việc tích tụ ruộng đất, đưa nông dân vào guồng máy sản xuất lớn của một nền nông nghiệp hiện đại còn nhiều bất cập; khâu kết nối tiêu thụ sản phẩm, liên kết chuỗi giá trị nông sản vẫn lỏng lẻo.
Ở góc độ DN, đại diện Công ty cổ phần Nafoods Group cho biết, chanh leo và sầu riêng là hai sản phẩm chủ lực của đơn vị. Tuy nhiên, diện tích trồng chanh leo còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán tại các vùng nên khâu quản lý và cấp mã số vùng trồng gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, đại diện công ty này đề xuất, các địa phương cần sớm quy hoạch lại vùng sản xuất chuyên canh cây chanh leo, có lộ trình phát triển vùng nguyên liệu chanh leo; hỗ trợ nông dân đăng ký và duy trì mã số vùng trồng.
Đảm bảo thu nhập, tạo động lực cho nông dân
Giới chuyên gia trong ngành nhận định, xây dựng vùng nguyên liệu là khâu đột phá để tạo nền tảng thúc đẩy các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị nông sản. Đồng thời minh bạch hóa quy trình sản xuất cũng như chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
“Để xây dựng được nguồn nguyên liệu nông sản đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các địa phương tập trung xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, song song với tăng cường giải pháp gắn kết giữa vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến. Cùng với đó, tạo cơ chế phát triển nguồn nhân lực quản lý cho các HTX, DN tổ chức sản xuất theo quy hoạch vùng nguyên liệu; nâng cao năng lực quản trị về cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất, qua đó thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp mã vùng trồng”- Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam - GS.TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.
Còn theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) Ngô Tường Vy, xây dựng mã số vùng trồng là tiêu chuẩn cơ bản đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu nên các địa phương cần tuyên truyền cho người dân hiểu xây dựng mã số vùng trồng là điểm trọng yếu để có thể bán được sản phẩm.
Về vấn đề này, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng khẳng định, khi chúng ta tạo được vùng nguyên liệu tốt thì chắc chắn DN sẽ có sự tin tưởng và đầu tư vào. Ông Thanh lấy ví dụ, hiện Trung tâm Khuyến nông quốc gia đang kết hợp với DN Vĩnh Hiệp làm vùng nguyên liệu cà phê để xuất khẩu sang EU.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, để hoàn thành mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2022-2023, cả nước hình thành 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô tập trung, với tổng diện tích khoảng 166.800ha, các tỉnh, thành phố cần phát triển cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến và thương mại sản phẩm cho các HTX, DN liên kết tiêu thụ; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các tỉnh, thành phố cũng cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có lợi nhuận cao, gắn với xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy sơ chế, chế biến để đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu...
Theo Bộ NN&PTNT hiện các địa phương đang áp dụng phần mềm quản lý sản xuất vùng nguyên liệu có chứng chỉ và số hóa thông tin, cơ sở dữ liệu vùng nguyên liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đến nay, cả nước có khoảng 4.600 mã số vùng trồng với diện tích khoảng 300.000ha, gồm trái cây, lúa, cà phê, tiêu, điều, gỗ... và 2.000 cơ sở đóng gói ở 50 tỉnh, thành phố. Việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với mã số vùng trồng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí đầu vào, giảm tổn thất sau thu hoạch và tăng giá trị khi xuất khẩu.