Xây nhà tái định cư cho bà con vùng cao

Ngọc Thanh 03/09/2017 14:15

Những trận mưa lớn gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho các địa phương. Rất nhiều ngôi nhà đã bị đổ sập, san phẳng. Người dân mong muốn sớm được tái định cư nơi ở mới, an toàn, không phải thấp thỏm lo lắng khi mưa lũ.


Lũ ống, lũ quét khiến nhiều ngôi nhà ở Mù Cang Chải (Yên Bái) bị sập đổ.

Thấp thỏm nỗi lo mùa lũ

Tại tỉnh Yên Bái mưa lũ đã làm 2 người chết, 13 người mất tích và 9 người bị thương, 29 nhà bị cuốn trôi, 25 nhà bị sạt lở đất và hư hỏng nặng. Với những hộ gia đình bị sập hoàn toàn nhà cửa, tỉnh hỗ trợ gạo trong khoảng thời gian 6 tháng để bảm bảo người dân không bị thiếu đói; hỗ trợ 20 triệu đồng cho những gia đình bị sập nhà cửa hoàn toàn, trong đó Mặt trận tỉnh hỗ trợ 5 triệu để những gia đình bị thiệt hại nặng nề có thể làm nhà hoặc tìm nơi ở tạm đảm bảo.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy, đến thời điểm này công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả đã cơ bản xong phần lớn công việc. Đã di dời được 51 hộ dân bị mất nhà ở hoàn toàn tại các vị trí sạt lở mưa lũ đến nơi ở an toàn tại các cơ sở cộng đồng hoặc trụ sở các cơ quan nhà nước, bước đầu đảm bảo cuộc sống.

Tuy nhiên, mong muốn của người dân ngoài sự hỗ trợ trên, họ rất cần một nơi an cư an toàn để ổn định cuộc sống lâu dài, không còn phải thấp thỏm nỗi lo mỗi mùa mưa lũ. Về vấn đề này, ông Đỗ Đức Duy cho biết do địa bàn huyện Mù Cang Chải hiện nay không có nhiều vị trí để đảm bảo có thể xây dựng được khu tái định cư đủ lớn gắn với vùng đất sản xuất của nhân dân, vì vậy tỉnh đã kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương, thời gian tới tiếp tục có sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ tỉnh Yên Bái để tiến hành rà soát, đánh giá để thực hiện công tác quy hoạch dân cư trong dài hạn để đảm bảo vừa có khu vực dân cư định cư sinh sống an toàn vừa gắn được với vùng đất sản xuất để phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trên địa bàn tỉnh.

57 hộ dân đầu tiên được bố trí nhà tái định cư
Sau trận lũ quét lịch sử, tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã có 10 người chết, 5 người mất tích và 13 người bị thương; nhiều công trình cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm bị cuốn trôi, hư hỏng, không thể khôi phục được. Cùng với đó hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng, đổ sập. Thiệt hại về vật chất lên tới 685 tỷ đồng.

Ngay sau mưa lũ, tỉnh Sơn La đã kiểm tra, khảo sát để tiến hành quy hoạch khẩn cấp khu tái định cư cho người dân vùng lũ. Tuy nhiên, cũng giống như các địa phương khác, khó khăn lớn nhất hiện nay của Mường La là quỹ đất của huyện hạn hẹp. Quỹ đất tại chỗ không đủ điều kiện để sắp xếp dân cư, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp không thể cải tạo được nên việc cần làm lúc này của Sơn La là phải tái định cư khẩn cấp cho những khu dân cư bị ảnh hưởng do lũ quét dọc suối Nặm Păm đến nơi ở mới.

Nhiều ý kiến cho rằng, phải có giải pháp tổng thể về khu tái định cư mới, đảm bảo địa chất, thủy văn và khu vực đó không có dòng sông, suối bị chặn dòng, đảm bảo không để tiếp tục xảy ra những trận lũ ống, lũ quét. Đồng thời tại khu tái định cư mới này, việc xây dựng hệ thống giao thông, điện, thủy lợi… phải được nghiên cứu thật kỹ, đáp ứng với địa hình của sự thay đổi dòng chảy con suối sau cơn lũ tạo ra.

Ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cùng các ban, ngành của tỉnh đã đi khảo sát toàn bộ các vùng bị ảnh hưởng do mưa lũ tại huyện Mường La. Đồng thời, làm việc với huyện Mường La nhằm đưa ra các phương án khôi phục đường giao thông, sắp xếp tái định cư, khôi phục sản xuất cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Theo Bí thư Huyện ủy huyện Mường La (Sơn La) Nguyễn Thành Công: Trong 569 ngôi nhà bị hư hỏng do ảnh hưởng của mưa lũ thì có 416 ngôi nhà sẽ phải di chuyển đến điểm tái định cư mới để đảm bảo an toàn cho người dân.

Đến thời điểm này 57 hộ dân đầu tiên ở vùng lũ Nậm Păm, huyện Mường La, Sơn La đã được bố trí và dựng nhà tái định cư khẩn cấp tại địa điểm mới. Khu tái định cư mới rộng 8ha, với quy mô xây dựng 100 ngôi nhà. Hiện các đơn vị thi công đã tiến hành lắp ghép nhà cho các hộ dân, mỗi hộ có diện tích 42m2 trên tổng nền 250m2. Khi dựng nhà xong, các hộ sẽ bốc thăm chọn nhà. Huyện Mường La phấn đấu sau 10 ngày, 57 hộ dân đầu tiên sẽ được chuyển về nơi ở mới. Sau đó, huyện sẽ xây dựng hoàn thiện 100 ngôi nhà tại khu vực này.

Với tinh thần “tương thân tương ái”, “nhường cơm xẻ áo”, trong những ngày qua đã có nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương ủng hộ nhân dân vùng bị thiệt hại thông qua UBTƯ MTTQ Việt Nam. Tính đến ngày 15-8, Ban Cứu trợ Trung ương - UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tiếp nhận hơn 4,6 tỷ đồng ủng hộ đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Tái định cư là giải pháp bền vững nhất
Sinh kế của người dân miền núi chủ yếu dựa vào làm nương, sống du canh, du cư. Do vậy, việc tiếp cận thông tin về thiên tai, mưa lũ gặp nhiều khó khăn. Một số khu vực người dân hầu như không nhận được thông tin về mưa lũ. Bởi vậy khi lũ về đều là bất ngờ khiến bà con trở tay không kịp, thiệt hại về người và tài sản vô cùng nặng nề. Mong muốn của bà con là được Nhà nước, chính quyền quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ để tái định cư ở những nơi ở an toàn, thuận lợi cho việc sản xuất, nuôi trồng cũng như để ổn định cuộc sống.

Tạo điều kiện cho người dân tái định cư tại một nơi ở mới được coi là giải pháp bền vững nhất.Tuy nhiên, hiện công tác di dời dân sống ở khu vực nguy cơ cao về thiên tai còn gặp nhiều khó khăn, bất cập do thiếu quỹ đất tại các khu vực vùng núi cao. Địa điểm di dời đến cũng tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn. Tập quán và điều kiện sinh sống tại nơi ở mới không phù hợp nên nhiều hộ dân không chịu di chuyển. Kinh phí cho các dự án di dân vùng thiên tai chưa đáp ứng so với nhu cầu, nhiều dự án bị kéo dài, hiệu quả không cao…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây nhà tái định cư cho bà con vùng cao