Năm học 2024 - 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ các trường tiểu học đảm bảo không quá 35 học sinh/lớp. Tuy nhiên, với nhiều địa bàn ở Thủ đô Hà Nội, TPHCM… đây là mục tiêu phấn đấu khi số học sinh thực tế của mỗi lớp lên tới hơn 50 em. Tình trạng học luân phiên vì không đủ trường, lớp vẫn đang diễn ra.
Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội thông tin, năm học 2024 - 2025, học sinh (HS) đầu cấp tiếp tục tăng mạnh. Dự kiến số lượng HS vào lớp 1 tăng 7.000; HS vào lớp 6 tăng 58.000; HS vào lớp 10 tăng 5.000 em so với năm học trước. TP Hà Nội đang dự kiến xây thêm 30 - 40 trường mới để đáp ứng đủ chỗ học cho HS các cấp.
Vẫn thiếu trường, thiếu lớp
Ghi nhận tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), là một trong những điểm nóng về quá tải trường lớp của Thủ đô, năm học này quận đầu tư 900 tỷ đồng để xây dựng mới 4 trường và cải tạo, mở rộng 3 trường. Mặc dù những năm qua địa phương đã nỗ lực xây mới trường lớp nhưng ở thời điểm hiện tại, sĩ số HS/lớp còn cao, nhiều nơi vẫn có sĩ số hơn 50 em/lớp.
Tương tự, nhiều quận huyện khác của Hà Nội như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Đống Đa, Thanh Trì... cũng có số HS mỗi lớp đông hơn quy định của Bộ GDĐT. Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GDĐT quận Hà Đông cho biết: “Năm nay, quận Hà Đông cũng sẽ tăng khoảng hơn 4.000 HS, xây dựng thêm rất nhiều đơn nguyên ở các trường mầm non tiểu học và THCS. Mới đây nhất, Trường THCS Hà Cầu đã xây dựng xong, kịp đón các em HS”.
Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, thành phố hiện có 2.913 trường, tăng 39 trường so với năm ngoái và hơn 2,3 triệu HS, hơn 124.000 giáo viên. Trong năm học này, thành phố đã xây mới, thành lập mới được 39 trường học; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố là 79,86%. Toàn thành phố đã công nhận 23 trường chất lượng cao, đồng thời triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại, có diện tích 5ha trở lên.
Mặc dù không thiếu chỗ học nhưng để đảm bảo quy định về sĩ số HS/lớp của bậc tiểu học, THCS, THPT là điều không dễ. Đơn cử, với bậc THCS, theo thống kê của Sở GDĐT Hà Nội, hiện thành phố đang thiếu tới 31 trường. Mặc dù có một số trường THCS mới được đưa vào sử dụng năm học này nhưng không nhiều nên giải pháp Hà Nội đưa ra là cải tạo, nâng tầng, xây thêm đơn nguyên để góp phần tăng thêm số HS được học trường công lập, giảm sĩ số HS/lớp.
Tích cực xây trường, lớp mới
Tính đến ngày 31/7, TPHCM có 12 trường khánh thành với 325 phòng xây mới. Ngoài 7 trường thuộc quận Bình Tân gồm 1 trường mầm non, 5 trường tiểu học và 1 trường THCS, TPHCM có thêm các trường mới rải rác ở các quận 8, 6, 12, huyện Hóc Môn và Bình Chánh. TPHCM đặt mục tiêu trong năm 2025 tiếp tục hoàn thành 280 phòng học mới, trong đó tăng thêm 111 phòng trước dịp lễ 30/4/2025. Ngoài ra số phòng được đầu tư theo hình thức xã hội hóa là 570 phòng.
Kinh nghiệm của quận Bình Tân đó là sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị. Quận ban hành đề án về thực hiện quy hoạch đầu tư xây dựng trường học giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu cụ thể đến năm 2025 xây dựng 700 - 1.000 phòng học trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và từng bước phấn đấu đạt chỉ tiêu đề ra. Các công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công được triển khai kịp thời, nhanh chóng, chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch chi tiết giải ngân hàng tháng cho từng dự án.
Trên thực tế, việc thiếu trường lớp vẫn là vấn đề nan giải ở vùng nội thành của các thành phố lớn của cả nước. Nguyên nhân đã được các địa phương chỉ ra đó là tốc độ gia tăng dân số nhanh, không chỉ tăng tự nhiên mà còn tăng cơ học do nhập cư. Ông Võ Xuân Trọng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai (Hà Nội) chỉ ra áp lực dân số tăng nhanh (năm 2004 quận có 18,7 vạn dân nhưng đến năm 2023 có trên 70 vạn dân), dẫn đến quá tải hệ thống giáo dục trên địa bàn quận. Trung bình mỗi năm tăng 4.000 HS, cơ sở vật chất của một số trường không đáp ứng kịp, lại thiếu quỹ đất để mở rộng trường học công lập.
Trước những khó khăn trên, quận Hoàng Mai đề nghị TP Hà Nội xem xét điều chỉnh quy hoạch các ô đất xây dựng trường học phù hợp để công tác giải phóng mặt bằng được thuận lợi. Khi thành phố phê duyệt quy hoạch các dự án, các khu đô thị, cần quy định tỷ lệ trường công lập để tránh khó khăn cho nhân dân trên địa bàn, mặt khác, đề nghị thành phố cho phép nâng thêm tầng cao.
Quận cũng đề nghị các chủ đầu tư khi triển khai các dự án mới cần có cam kết xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng các trường học. Đồng thời, khi xây dựng chung cư đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trong khu dự án, tránh gây quá tải, áp lực cho các trường công lập trên địa bàn.
Địa phương chủ động vào cuộc
Những khó khăn khi triển khai dạy học với sĩ số lớp học đông là điều mỗi giáo viên và các bậc phụ huynh, HS đều thấm thía, đặc biệt là đối với chương trình GDPT 2018 với nhiều hoạt động dạy học đổi mới, đòi hỏi giáo viên và HS tăng cường tương tác, trải nghiệm, các trò chơi vận động… Lớp chật, đông HS, cô giáo quản hơn 50 HS so với lớp học tiêu chuẩn 35 HS không chỉ vất vả gấp nhiều lần mà sự quan tâm tới từng HS cũng bị chia sẻ, nỗi lo về những HS không bắt nhịp được vào bài giảng là một thực tế.
Chính vì vậy, trước thềm năm học mới 2024 - 2025, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã yêu cầu Bộ GDĐT đề xuất giải pháp cụ thể về các vấn đề bất cập trong hệ thống giáo dục, đào tạo trong đó có việc thiếu trường lớp học cấp mầm non, phổ thông ở Hà Nội, TPHCM.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2024 - 2025 là năm chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm. Bộ trưởng đề nghị các Sở GDĐT lưu ý tham mưu lãnh đạo địa phương xây dựng kế hoạch 5 năm (2025 - 2030) để địa phương chủ động đầu tư cho giáo dục. Cùng với đó là tham mưu bảo đảm chi ngân sách tối thiểu cho giáo dục 20%. Bộ trưởng đề nghị các Sở GDĐT tiếp tục tham mưu địa phương quan tâm đầu tư, hiện đại hoá cơ sở vật chất, chuẩn bị phương án để bảo đảm kiên cố hóa 100% cơ sở giáo dục đến năm 2030; phát triển đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng. Cùng với đó, quan tâm phát triển các trường dân tộc nội trú, giáo dục dân tộc...
GS.TS Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam:
Không để sĩ số lớp cản trở chương trình mới
Một trong những thách thức lớn khi năm học mới bắt đầu đó là quá tải trường lớp, sĩ số HS/lớp quá đông. Điều này gây ảnh hưởng đến hiệu quả dạy học, đổi mới theo chương trình GDPT 2018 vốn được thiết kế, xây dựng triển khai cho các lớp học tiêu chuẩn theo quy định của Bộ GDĐT. Giải pháp lâu dài đó là cần có sự quan tâm của các địa phương để khắc phục việc thiếu trường lớp bằng cách phân bổ, điều chỉnh và mở rộng mạng lưới trường lớp một cách hợp lý, đảm bảo đủ chỗ học, đủ giáo viên mà còn tiến dần tới mục tiêu trường đạt chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục đi lên.