Một vài năm trở lại đây, các hãng xe công nghệ luôn là sự lựa chọn ưu tiên của nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc các hãng xe công nghệ cố nâng cao lợi nhuận bằng các khoản phụ phí riêng như thời gian qua sẽ dẫn tới tình trạng khách hàng và cả tài xế “quay lưng”.
Khách hàng, tài xế phản ứng mạnh
Kể từ đầu tháng 7, khách hàng sử dụng dịch vụ của Grab bị thu thêm phụ phí nắng nóng là 5.000 đồng với mỗi chuyến Grab Bike và mỗi đơn hàng Grab Food, Grab Mart; với dịch vụ Grab Express là 3.000 đồng/đơn hàng. Ngoài ra, Grab cũng đã triển khai áp dụng thu thêm một số loại hình phí và phụ phí như: “phụ phí khi mưa lớn”, “phụ phí kẹt xe”, “phí chờ đợi”.
Việc tăng phụ phí trên khiến nhiều khách hành phản ứng mạnh trong hơn 1 tháng qua. Chị Nguyễn Thu Hằng (quận Ba Đình, Hà Nội) là người thường xuyên sử dụng dịch vụ Grab Bike để di chuyển đi làm hàng ngày, chị Hằng cho biết: “Dạo gần đây, việc đặt xe rất khó, nhất là vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, có chuyến chị phải chờ đến 10 phút mới có tài xế đến đón. Trong khi đó, phí cước tăng so với trước đây, có chuyến còn cộng thêm phụ phí thời tiết hay tắc đường...”.
Không riêng Grab, các ứng dụng công nghệ khác như: Be, Gojek, ShoppeFood… đều đồng loạt thu phụ phí. Chị Hoàng Thu Trang (quận Đống Đa, Hà Nội) - một khách hàng thường xuyên dùng các loại dịch vụ giao hàng công nghệ và đặt hàng ăn qua mạng cho hay: “Gần đây nhất, tôi đặt đồ ăn trên ShopeeFood, ngoài phí dịch vụ là 3.000 đồng, tôi phải trả thêm 12.000 đồng phí thời tiết xấu. Tôi băn khoăn không biết khoản phụ thu này tài xế có được hưởng hay không?”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi hãng có các mức phụ phí khác nhau nhưng đều thu một loại phí chung là phí nền tảng. Nghĩa là, mỗi lần khách hàng sử dụng ứng dụng, đặt xe, giao hàng hoặc các dịch vụ khác sẽ phải trả phí nền tảng, như Grab thu phí nền tảng là 1.000 đồng/chuyến; ShopeeFood thu phí dịch vụ là 3.000 đồng…
Còn với tài xế, mỗi đơn hàng, hãng sẽ trừ phí sử dụng ứng dụng và thuế. Anh Ngọc Tùng - một tài xế Grab cho biết, mỗi chuyến chạy, ngoài mức chiết khấu 27% tổng hóa đơn thanh toán thì hãng này còn có các khoản phụ phí khác.
Anh Tùng ví dụ, một chuyến xe anh vừa chở khách. Phí khách phải thanh toán là 34.000 đồng, bao gồm: Tiền cước 30.000 đồng, phí nền tảng 1.000 đồng và phí đăng ký Ride Cover (quyền lợi chuyến xe) 2.000 đồng. Trong khi đó số tiền anh nhận được là 22.963 đồng, nếu trừ thêm 5.000 đồng tiền xăng cho chuyến xe này thì anh Tùng chỉ còn 18.000 đồng.
Để giải thích rõ hơn, anh Văn Minh - một lái xe Grab khác dẫn chứng thêm, hôm qua anh chạy 14 chuyến xe, thu nhập là 286.262 đồng, trong đó anh đã bị trừ hơn 100.000 đồng các khoản phí khác. Anh Minh cũng có biết, với mỗi đơn hàng hãng thu phụ phí của khách như: phí chờ đợi, phí thời tiết xấu, tài xế chỉ được cộng thêm 5.000 đồng, số tiền còn lại chảy vào túi của hãng.
Anh Tùng, anh Minh cũng như nhiều tài xế công nghệ đều cho rằng, mức chiết khấu đơn hàng từ tài xế hiện nay quá cao. Trong khi đó, tiền phụ phí từ thời tiết xấu không dành riêng cho tài xế mà vẫn chiết khấu cho hãng xe. Việc đội giá vận chuyển không chỉ khiến khách hàng “quay lưng” mà bản thân tài xế cũng muốn tắt ứng dụng mỗi khi thời tiết thay đổi.
Công khai các khoản phụ phí
Khảo sát thực tế từ phản ánh của người tiêu dùng, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội thừa nhận, vừa qua có tình trạng các hãng xe công nghệ thu phụ phí do thời tiết. Với ô tô, các hãng không thu phụ phí do trời nắng nóng nhưng thu phụ phí khi trời mưa. Ông Liên cho hay, theo lý giải của các tài xế, trời mưa, phố xá thường tắc đường, xe di chuyển chậm sẽ tốn xăng hơn nên hãng sẽ thu thêm phụ phí.
Trước thực tế này, ông Liên cho hay, theo quy định của luật, các doanh nghiệp vận tải phải đăng ký giá cước. Khi được các cơ quan quản lý nhà nước chấp nhận thì các doanh nghiệp vận tải mới được áp dụng giá cước đó. Tuy nhiên, lâu nay các hãng xe công nghệ không thấy thông báo về việc đăng ký giá cước này, thay vào đó là chỉ thông tin về việc tăng hay giảm giá cước trên website của hãng.
Theo ông Liên, việc các hãng xe công nghệ thu các loại phụ phí, thực chất là hình thức tăng giá dịch vụ. Những lý giải về việc thu phụ phí cũng phải được cơ quan quản lý đồng tình, chấp nhận. Do đó, ông Liên nêu quan điểm, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, bổ sung hình thức quản lý giá phù hợp đối với những mặt hàng, dịch vụ kinh doanh vận tải áp dụng công nghệ số.
Bên cạnh đó, ông Liên cũng nhấn mạnh: “Các hãng xe công nghệ hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài. Dù rất hoan nghênh nhưng khi các hãng hoạt động tại Việt Nam cần tuân thủ quy định của luật, công khai giá cước, phụ phí. Việc làm này vừa để cơ quan quản lý giám sát, vừa để người tiêu dùng được biết và lựa chọn dịch vụ. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng không nên “chiều chuộng” các hãng công nghệ quá mức, vượt quá khuôn khổ quản lý. Nếu cứ tự do điều chỉnh giá cước, thu phụ phí như hiện nay thì đối tượng chịu thiệt thòi là khách hàng”.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong e ngại, nếu các hãng xe công nghệ cộng phụ phí trong tổng thể giá mà không kê khai các khoản phụ phí này vào cơ cấu giá hoặc giấu diếm doanh thu để tính thuế sẽ là hành vi trốn thuế.
“Việc cộng phụ phí vì bất kỳ lý do gì là quyền của các hãng công nghệ, khách hàng có quyền từ chối dịch vụ. Tuy nhiên, quan trọng là các hãng phải kê khai khoản thu này vào cơ cấu giá để nộp thuế. Tôi cho rằng, Bộ Tài chính cần phải rà soát lại luật về giá để tạo thành tổng thể giá thành dịch vụ vận tải. Đây là việc làm cần thiết và đúng luật” - ông Phong nêu quan điểm.
Bộ Tài chính cho biết, bộ sẽ tổng hợp ý kiến để trình cấp có thẩm quyền xem xét vấn đề này khi sửa đổi Luật Giá. Về giá cước vận tải, theo luật về giá, giá cước vận tải bằng xe ô tô do thị trường điều tiết, quyết định, việc công khai, niêm yết thông tin về giá thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 4 và Điều 6 Luật Giá. Các hành vi vi phạm về công khai, niêm yết thông tin về giá được xử lý theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí lệ phí và hóa đơn.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị đối với dự thảo Luật giá sửa đổi. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Giao thông vận tải đối với vấn đề giá cước vận tải, phụ phí, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định hình thức quản lý giá đối với khoản thu này.