Sau 2 năm triển khai dự án, mô hình xe điện 2 bánh kết nối phương tiện vận tải hành khách công cộng tuyến BRT đã chính thức hoạt động. Tuy nhiên, chỉ ngay sau lễ ra mắt những chiếc xe điện này bỗng dưng "biến mất" khiến nhiều người dân ngóng chờ.
Xe điện 2 bánh “biến mất” sau lễ ra mắt
Nhằm hình thành thói quen sử dụng các loại phương tiện giao thông xanh và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân TP Hà Nội, sáng 28/11, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải đã phối hợp với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, Sở GTVT Hà Nội tổ chức Lễ ra mắt Chương trình “Thí điểm mô hình xe điện 2 bánh kết nối phương tiện vận tải hành khách công cộng tuyến BRT: từ nhà chờ BRT Văn Khê đến trung tâm thương mại AEON Hà Đông”.
Lộ trình tuyến sẽ đi từ đường cổng chính vào khu đô thị Dương Nội, qua khu An khang Vila, rẽ phải theo đường công viên, rẽ trái ra Ngô Thì Nhậm kéo dài (mặt trước công viên Thiên Văn Học), vào cổng số 5 của TTTM AEON Mall Hà Đông. Cự ly tuyến: 2,3 km.
Tuy nhiên, chỉ ngay sau khi diễn ra lễ ra mắt, 50 chiếc xe điện 2 bánh công cộng này đột nhiên biến mất không còn chiếc xe nào xuất hiện tại bãi đỗ xe điện công cộng này.
Anh Nguyễn Văn Tuyên người dân sinh sống trong khu đô thị Dương Nội cho biết: “Sáng ngày 28/11 tôi thấy còn mấy chục chiếc xe điện được đặt ở ngay trước nhà ga Văn Khê để cho người dân trải nghiệm. Tuy nhiên, sau buổi lễ ra mắt thì không còn thấy chiếc xe nào được mang ra đây nữa không hiểu vì lý do gì, hỏi ra mới biết xe đã bị chuyển đi rồi”.
Chị Trần Phương Nhi trú tại quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: “Qua báo đài, tôi biết được có xe điện công cộng để kết nối từ nhà chờ vào TTTM AEON Mall Hà Đông, nay xuống xe buýt để đi tìm mãi nhưng không thấy đâu”.
Một bảo vệ trông giữ xe tại cổng số 5 TTTM AEON Mall Hà Đông cho biết: “Ngay sau lễ ra mắt thí điểm, đơn vị vận hành đã đem những chiếc xe điện này đi cất. Hiện những chiếc xe này ở đâu thì chúng tôi cũng không biết. Sau đó không vận hành thêm ngày nào. Người hướng dẫn sử dụng cũng không xuất hiện tại khu vực để xe điện nữa”.
Còn chờ cấp biển
Chương trình thí điểm này nằm trong khuôn khổ Dự án nghiên cứu hợp tác giữa Trường Đại học Công nghệ GTVT và 46 đối tác quốc tế: “Tích hợp các giải pháp di chuyển bằng xe điện tại các đô thị trong bối cảnh Thỏa thuận Paris, các Mục tiêu phát triển bền vững và Chương trình Nghị sự đô thị mới”, đã được Ủy Ban Châu Âu phê duyệt tài trợ nhằm khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng và các giải pháp về giao thông điện bền vững.
Đặc biệt, đây là chương trình xe đạp điện công cộng đầu tiên được thí điểm tại Hà Nội, hướng tới mục tiêu thay đổi nhận thức của người dân sử dụng phương tiện giao thông xanh và nâng cao tính kết nối hành khách với những phương tiện công cộng khác nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, cơ quan truyền thông, báo đài và đặc biệt là người dân trên địa bàn TP. Song, việc ra mắt rầm rộ rồi lẳng lặng biến mất khiến không ít người dân đến trải nghiệm và sử dụng bị hụt hẫng.
Để làm rõ vấn đề này, ông Vũ Ngọc Khiêm, Chủ tịch hội đồng trường Đại học Công nghệ GTVT cho biết: “Sau khi triển khai buổi lễ ra mắt, chúng tôi tiến hành làm việc với tổ chức quốc tế tài trợ để thẩm định, và đánh giá nội dung ban đầu của dự án. Ngoài ra, những phương tiện này cũng tạm dừng để chờ cấp biển số nên chưa thể hoạt động”.
Ông Vũ Ngọc Khiêm cho rằng, đây là phương tiện được quy định vào diện xe biển màu xanh. Biển xanh của xe máy điện lại là lần đầu tiên được cấp ở Việt Nam. Chưa có tiền lệ nên thủ tục cấp biển kiểm soát mất khá nhiều thời gian. Dự kiến vào đầu tuần tới, dự án thí điểm sẽ có thể hoạt động trở lại.
Ngoài ra, ông Khiêm cũng cho biết, trong quá trình vận hành thí điểm cũng sẽ gặp một số khó khăn, như hệ thống điện tử quản lý, đặt xe cũng chưa được hoàn hiện hết phần thủ tục phê duyệt. Người dân muốn mượn xe sẽ được chuyên viên hướng dẫn cài đặt tại chỗ chứ chưa xuất hiện rộng rãi trên các loại điện thoại thông minh.
Chuyên gia giao thông Vũ Hoàng Chung cho rằng, dự án xe điện 2 bánh kết nối với xe buýt BRT có ý nghĩa rất lớn đến sự hình thành thói quen của người dân sử dụng các loại phương tiện công cộng. Tuy nhiên, chỉ ngay sau khi ra mắt việc đơn vị thực hiện đã lẳng lặng cất xe để tạm dừng dự án khiến nhiều người dân thất vọng, đơn vị triển khai cũng cần phải xem xét lại cách làm.
“Bởi đơn vị thực hiện cũng cần phải lường trước được những khó khăn, phát sinh trước khi thực hiện dự án chứ không thể ra mắt rồi lại đem đi cất để chờ thủ tục. Mặt khác, đơn vị cũng cần có những thông báo rộng rãi đến với người dân về việc tạm dừng thí điểm chứ không phải thích cất xe là cất. Như vậy, người dân sẽ không hiểu, dần dần mất niềm tin vào phương tiện công cộng”, vị chuyên gia này cho hay.