Số vụ vi phạm chở quá tải tại khoảng 40 địa phương bị xử lý được cho là quá ít so với thực tế, khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu có “bảo kê” khi xe quá tải vẫn ngang nhiên lộng hành trong nhiều năm qua?
Chỉ riêng trong tháng 6 đầu năm 2020, qua kiểm tra hơn 12.000 phương tiện, lực lượng chức năng phát hiện gần 1.800 xe vi phạm chở quá tải tại khoảng 40 địa phương, phạt hơn 21 tỷ đồng. Tuy nhiên, số vụ vi phạm bị xử lý được cho là quá ít so với thực tế, khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu có “bảo kê” khi xe quá tải vẫn ngang nhiên lộng hành trong nhiều năm qua?
Dễ dàng qua mắt lực lượng chức năng
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, trong tháng 6/2020, qua theo dõi, có khoảng 40 địa phương tiếp tục duy trì hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, các địa phương khác sử dụng cân xách tay kiểm tra xe quá tải, góp phần ngăn chặn tình trạng xe quá tải tái diễn trở lại. Cụ thể, lực lượng chức năng đã kiểm tra hơn 12.000 phương tiện, trong đó có gần 1.800 xe vi phạm chở quá tải trọng, tước 687 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước hơn 21 tỷ đồng.
Có thể thấy, tình trạng xe quá tải vẫn ngang nhiên hoạt động kéo theo nhiều lo ngại. Thời gian qua, công tác kiểm tra, kiểm soát cũng như xử lý vi phạm của lực lượng chuyên ngành dù đã có những kết quả đáng ghi nhận nhưng thực trạng trên vẫn tái diễn. Không chỉ cố tình vi phạm, nhiều chủ xe, lái xe còn nghĩ ra đủ loại “chiêu trò” để qua mắt lực lượng chức năng, từ việc tự ý thay đổi kết cấu kỹ thuật của xe để chở vượt tải trọng, đến thay đổi thùng xe từ loại hở sang kín, từ xe tải thường sang siêu trường siêu trọng...
Nếu muốn chứng kiến xe quá tải hoạt động, có thể tới đường Trường Sa - một trong những tuyến đường trọng yếu, là cửa ngõ giao thông kết nối Hà Nội với nhiều tỉnh như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Phòng... lượng xe trung chuyển chở hàng hoá quá tải qua lại hằng ngày rất lớn, chạy rầm rập suốt ngày đêm. Hệ luỵ do xe quá tải gây ra không chỉ là những thiệt hại kinh tế rất lớn khi nhiều tuyến đường tiền tỷ đã nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, mà còn liên quan tới an toàn tính mạng của người tham gia giao thông.
“Do lực lượng thanh tra giao thông còn mỏng, phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác của địa phương, thanh tra giao thông các sở GTVT chỉ kiểm soát xe quá tải trên các quốc lộ được ủy quyền quản lý và đường địa phương nên tình trạng xe quá tải vẫn tái diễn, lưu thông trên các quốc lộ và một số đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, các dự án xây dựng, san lấp mặt bằng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp”, ông Huyện thừa nhận.
Liệu có tình trạng “bảo kê”?
Tuy nhiên, cũng cần đề cập tới trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách cùng chính quyền địa phương chứ không phải cứ nhìn vào số vụ vi phạm được xử lý, nhưng rồi tình trạng này vẫn tái diễn. Dư luận cho rằng, không có bảo kê thì tình trạng vi phạm giao thông của cánh xe tải không thể liều lĩnh, ngang nhiên như vậy. Vấn đề là ai bảo kê, bảo kê như thế nào và liệu có thể tìm ra người bảo kê hay không?! Có lẽ, cơ quan chức năng nên thẳng thắn nhìn nhận để có biện pháp xử lý rốt ráo.
Vẫn đề đặt ra là làm thế nào để kiểm soát xe quá tải bền vững, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”? Theo các chuyên gia giao thông, cần đẩy mạnh triển khai lắp hệ thống cân cố định điện tử tự động như đã thí điểm ở một số địa phương. Hệ thống trạm cân này hoạt động bằng quy trình tự động hóa hoàn toàn. Khi xe chạy qua sẽ báo tất cả về Trung tâm của Tổng cục và được chia sẻ đến sở GTVT các địa phương để phạt nguội.
Bên cạnh đó, việc thay thế Thông tư 10 về quản lý hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe tới đây sẽ sửa đổi theo hướng các trạm cân lưu động của thanh tra Sở GTVT có thẩm quyền kiểm tra tải trọng xe trên các hệ thống đường bộ thuộc địa bàn quản lý, từ đó tạo hành lang pháp lý để thanh tra, kiểm soát và xử lý có hiệu quả hơn tình trạng xe quá tải, quá khổ lộng hành.
Tuy nhiên, cùng với các giải pháp nêu trên, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chuyên trách từ địa phương đến Trung ương, thể hiện ở việc nghiêm túc trong tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện kịp thời, triệt để, minh bạch, tạo lòng tin trong nhân dân. Nói như ông Đặng Văn Chung, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam): Nếu lực lượng chức năng nói không với tiêu cực trong xử lý, chắc chắn xe quá tải sẽ giảm đáng kể.
Xử nghiêm xe quá tải “băm nát” các tuyến đê
Ngày 14/7, Bộ NNPTNT đã có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố có đê kiên quyết chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xe quá tải hoành hành trên các tuyến đê. Trong những năm qua, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT đã quan tâm, bố trí kinh phí cho các địa phương thực hiện duy tu, tu bổ, xử lý hư hỏng đê điều. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng xe quá tải đi trên đê diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương gây hư hỏng nghiêm trọng mặt đê, trong đó có cả những tuyến đê mới được đầu tư, sửa chữa.
Thực hiện quy định pháp luật về đê điều, Bộ NNPTNT đề nghị UBND các tỉnh, TP khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhất là lực lượng công an tăng cường công tác kiểm tra trên các tuyến đê; kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Bên cạnh đó, địa phương chủ động bố trí ngân sách để xử lý, khắc phục những hư hỏng đê điều, đảm bảo an toàn đê điều và giao thông trên đê phục vụ công tác ứng cứu hộ đê trong mùa mưa lũ sắp tới.