Sức khỏe

Xem xét thí điểm kéo dài thời gian kê đơn thuốc

An Thái 22/06/2024 10:28

Mới đây các bác sĩ chuyên khoa, hội chuyên ngành đã đề nghị xem xét điều chỉnh thời gian kê đơn đối với một số bệnh mạn tính đã điều trị ổn định có thể tối đa là 60 ngày hoặc 90 ngày thậm chí có thể lâu hơn.

bai-chinh(1).jpg
Bệnh nhân chờ khám chữa bệnh, kê đơn thuốc tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: An Thái.

Cụ thể, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã họp với các đơn vị liên quan của BHXH Việt Nam, các bệnh viện tuyến Trung ương, Tổng hội Y học Việt Nam, các Hội chuyên ngành như Hội Hô hấp, Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam... về đề xuất thời gian kê đơn, cấp thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính của BHXH Việt Nam.

Trước đó, với bệnh mạn tính, bệnh nhân được kê đơn thuốc sau khi có kết quả khám, chẩn đoán bệnh với số lượng thuốc sử dụng tối đa 30 ngày, đồng nghĩa phải tái khám hàng tháng, điều này làm mất thời gian, chi phí và gây quá tải cho cơ sở y tế. Với khoảng 93% dân số tham gia BHYT, thì đại đa số bệnh nhân mắc bệnh mạn tính là đối tượng khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT). Nếu thực hiện khám bệnh ở tuyến cao hơn, mỗi lần đi khám, bệnh nhân phải đề nghị chuyển tuyến, vừa mất thời gian, vừa gây quá tải với cơ sở y tế tuyến trên. Hơn thế, bệnh nhân mắc bệnh mạn tính tập trung nhiều ở nhóm người cao tuổi, đi lại khó khăn, cần có người đưa đi khám, gây không ít phiền phức.

Vì vậy, nhằm mang đến thuận lợi cho nhiều phía, ngành BHXH đã có đề xuất với Bộ Y tế kéo dài thời gian kê đơn thuốc với bệnh mạn tính. Cụ thể, bệnh nhân mắc bệnh mạn tính đã ổn định sức khỏe, bệnh nhân HIV đã điều trị thuốc kháng ARV từ 12 tháng trở lên, sức khỏe ổn định thì số lượng thuốc được kê đơn đủ sử dụng tối thiểu 60 ngày, tối đa không quá 90 ngày. Với trường hợp bệnh nhân điều trị mạn tính tại tuyến y tế cơ sở, thì cơ sở y tế cấp thuốc điều trị không quá 30 ngày. Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, đề xuất này dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, có sự tiếp thu ý kiến của giới chuyên môn. Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng kê đơn thuốc thời gian 60 ngày.

Ngoài đề xuất của BHXH Việt Nam nói trên, Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng đồng thời nhận được văn bản của Sở Y tế TP Hà Nội về việc triển khai thí điểm cấp thuốc mạn tính 2 tháng tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, trong đó đề cập kết quả phân tích dữ liệu người bệnh được cấp thuốc mạn tính (tối đa 3 tháng) trong thời gian dịch Covid-19 cho thấy việc cấp thuốc mạn tính hai tháng đối với nhóm bệnh mạn tính ổn định thực sự mang lại hiệu quả cho cả người bệnh và bệnh viện, giảm bớt áp lực chờ đợi cho người bệnh, đặc biệt là người bệnh cao tuổi, sức khỏe yếu.Trong quá trình khám chữa bệnh tại bệnh viện, đa số người bệnh bày tỏ nguyện vọng được cấp thuốc 2 tháng để giảm thời gian đi lại. Từ đó Sở Y tế đề xuất cho phép triển khai thí điểm cấp thuốc 2 tháng đối với các trường hợp mắc các bệnh cần điều trị dài ngày (theo Thông tư 46/2016 ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh cần điều trị dài ngày) bao gồm: nhóm bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu có tình trạng ổn định tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn trong năm 2024.

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, thuốc kê đơn cho các bệnh mạn tính đang dùng tốt, sức khỏe bệnh nhân ổn định, thì họ không cần khám hằng tháng. Trong bối cảnh số lượng bệnh nhân mắc bệnh mạn tính khá đông, mà không ít người đi khám là vì do quy định, không phải do tình trạng bệnh tật, là sự lãng phí về nhiều mặt.

Còn ông Lê Ngọc Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trưởng ban Tư vấn chuyên môn Y khoa (Bệnh viện E) đánh giá, việc kéo dài thời gian sử dụng thuốc với bệnh mạn tính sẽ góp phần giảm tình trạng quá tải không cần thiết ở nhiều cơ sở y tế, giảm chi phí không cần thiết cho cả bệnh nhân và Quỹ BHYT.

Tại cuộc họp ngày 20/6 vừa qua, lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh đã xin ý kiến các chuyên gia về đề xuất của BHXH Việt Nam và Sở Y tế TP Hà Nội. Các bác sĩ thuộc các chuyên khoa và hội chuyên ngành cũng đề nghị xem xét điều chỉnh thời gian kê đơn đối với một số bệnh mạn tính đã điều trị ổn định có thể tối đa là 60 ngày hoặc 90 ngày thậm chí có thể lâu hơn. Tuy nhiên việc thời gian kê đơn thuốc trong mỗi trường hợp phải xem xét cụ thể từng bệnh, tình trạng của người bệnh; cần lấy hiệu quả điều trị và an toàn của người bệnh là ưu tiên hàng đầu.

TS Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị các bệnh viện và các hội chuyên ngành rà soát danh mục bệnh và rà soát hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh được kê đơn tối ta không quá 60 hoặc 90 ngày hoặc lâu hơn ngày trong các nhóm: Bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng; nhóm các bệnh về ung thư; nhóm các bệnh về máu; nhóm các bệnh về nội tiết chuyển hóa; nhóm các bệnh tâm thần.

Trong thời gian chờ sửa đổi Thông tư số 52/2017/TT-BYT, căn cứ ý kiến của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Hội đồng của Bộ Y tế sẽ xem xét thí điểm kê đơn thuốc dài hơn 30 ngày đối với một số bệnh mạn tính.

Tại Thông tư số 52 ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú, cơ sở y tế chỉ được kê đơn thuốc sau khi có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh. Số lượng thuốc được kê đủ sử dụng nhưng tối đa không quá 30 ngày. Như vậy, người bệnh cần tái khám hàng tháng để nhận thuốc kê đơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xem xét thí điểm kéo dài thời gian kê đơn thuốc