Do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên lễ trao và đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia cho đền thờ và mộ tiến sĩ Đào Toàn Bân (thuộc xã Song Khê, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) đã không diễn ra. Bằng xếp hạng do Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng vừa ký.
Suốt mấy thế kỷ, từ cuối thời Trần tới nay, dòng họ Đào và người dân thôn Song Khê (TP Bắc Giang) vẫn luôn nhớ tới tấm gương hiếu học, dạy học của nhà khoa bảng Đào Toàn Bân và các học trò thành danh.
Tiến sĩ Đào Toàn Bân (1308 - 1386), còn được gọi bằng các tên khác như Đào Toàn Mân, Đào Toàn Phú. Tương truyền, thủa nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, học giỏi, sách vở đọc qua một lần là thuộc; mới 16 tuổi (năm 1324) đã đỗ đầu thi Hương. Tuy vậy ông không thi tiếp hay ra làm quan mà mở trường dạy học.
Mãi tới năm 1352, vua Trần Dụ Tông mở khoa thi thái học sinh. Trong khi Đào Toàn Bân không muốn đi thi thì vợ ông động viên đi thi. Nghe lời vợ, ông đi thi khi đã 44 tuổi. Khoa thi 1352, ông đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ. Sau khi đỗ đạt, ông được bổ làm quan ở Phủ Thiên Trường (nay thuộc thị trấn Cỗ Lễ, huyện Trực Ninh, Nam Định). Ông đã đưa một phần gia đình xuống đây và vận động nhân dân khai hoang lập ấp, lấy tên là làng Song Khê để nhớ về quê cũ của mình. Ông làm quan đến chức Lễ Bộ thượng thư, Tham tri thẩm hình viện sự.
Tuy làm quan, nhưng Đào Toàn Bân vẫn chuyên cần dạy học. Lịch sử khoa cử Việt Nam ghi một chuyện hiếm có trong đời là tại Khoa thi Đình năm 1374, cả ba bảng tam khôi (Trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa) đều thuộc về học trò của Đào Toàn Bân. Con trai của Đào Toàn Bân là Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên. Bảng nhãn là Lê Hiến Phủ. Thám hoa là Trần Đình Thám. Và trong khóa thi này, người anh em sinh đôi với Lê Hiến Phủ là Lê Hiến Tứ đỗ tiến sĩ.
Tương truyền, sau khi yết bảng, vua có hỏi Đào Sư Tích là học trò của ai? Đào Sư Tích thưa: “Dạ do chính cha thần dạy dỗ”. Vua bèn cho vời nhà giáo Đào Toàn Bân vào triều và ban tặng dòng chữ “Phụ giáo tử đăng khoa” (Cha dạy con thi đỗ).
Để thử tài nhà giáo họ Đào, vua ra vế đối: “Viên ngoại ba tiêu, vô phu quân, tứ thời hữu kết” (Cây chuối ngoài vườn, không có chồng, mà bốn mùa kết trái). Nhà giáo Đào Toàn Bân ứng đối ngay: “Mộc tại nguyệt thiên, vô thổ bồi, bát tiết giai xuân”. (Cây mọc ở cung trăng, không đất bồi, mà tám tiết tốt tươi). Nghe xong, vua hết sức ngợi khen và lại ban cho bức trướng đề năm chữ “Phụ tử đồng đăng khoa” (Cha con cùng thi đỗ).
Biết tin vui, danh sư Chu Văn An cũng bày tỏ sự thán phục tài năng và công lao giảng dạy của nhà giáo Đào Toàn Bân và tặng đại tự “Đại sư vô nhị” (người thầy có một không hai).
Năm Bính Dần (1386), nhà giáo Đào Toàn Bân qua đời ở tuổi 76. Thi hài ông được đưa về quê an táng tại xứ đồng Bãi Trạng, thôn Lịm Xuyên, xã Song Khê. Người dân làng Song Khê (nay là thôn Song Khê 1 và Song Khê 2) đã lập đền thờ ông. Còn tại thị trấn Cổ Lễ, người dân cũng lập đền thờ, tôn ông làm Thành hoàng vì có công khai khẩn đất hoang lập nên địa phương này.
Trải qua thời gian và nhất là qua chiến tranh, đền thờ Đào Toàn Bân đổ nát. Hơn chục năm trở lại đây, người dân và chính quyền sở tại đã trùng tu di tích đền thờ và lăng mộ Tiến sĩ Đào Toàn Bân.