Xét tặng danh hiệu nghệ sĩ: Phải chăng 'cả làng cùng vui'?

Ngọc Mai 12/12/2022 07:00

“Tới đây chúng ta có cần quy định những trường hợp đặc biệt trong xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú nữa không? Không phải cứ thiếu tiêu chuẩn về thành tích hay huy chương chúng ta lại chuyển qua “trường hợp đặc biệt”. Điều này cho thấy các đơn vị đang “đá” quả bóng khó khăn cho cấp trên”.

Diễn viên gạo cội Trần Hạnh nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 2019 khi tuổi đã cao, sức yếu. Ông mất ngày 4/3/2019. Trong ảnh: Ông tham gia bộ phim “Cha cõng con”- bộ phim điện ảnh cuối cùng ông kịp tham gia.

Đó là ý kiến của bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị định số 89/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT); Nghị định số 40/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014 của Chính phủ, do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức mới đây, tại TP Hồ Chí Minh.

Ông Lê Ngọc Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng cho biết, triển khai thực hiện Nghị định số 89 từ năm 2016-2019, Bộ VHTTDL đã tổ chức được 2 đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Đã có 186 NSƯT được phong tặng danh hiệu NSND và 686 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSƯT. Trên cơ sở thực tiễn, qua 2 đợt xét tặng cũng như qua rà soát, tiếp thu ý kiến trao đổi của các đại biểu, chuyên gia chuyên ngành, các nghệ sĩ, Bộ VHTTDL đã tham mưu xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 40 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89 với những quy định cởi mở và bám sát thực tế hơn.

Cũng theo đại diện Vụ Thi đua khen thưởng, đợt xét tặng lần thứ X năm 2021, Bộ VHTTDL, cơ quan thường trực Hội đồng cấp Nhà nước nhận được 173 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 408 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT (trong đó có đến 308 hồ sơ theo tiêu chí trường hợp đặc biệt).

Được biết, tại đợt xét tặng danh hiệu lần này, Bộ VHTTDL nhận được không ít đơn thư kiến nghị về việc xét tặng danh hiệu đối với một số nghệ sĩ. Thực tế thì việc có quá nhiều “trường hợp đặc biệt” đề nghị được phong danh hiệu NSND, NSƯT cho thấy một số hội đồng cấp bộ, tỉnh còn lúng túng trong việc xét tặng theo tiêu chí, cả nể, dẫn đến tình trạng việc xem xét chưa đúng theo quy định. Không ít hồ sơ thiếu thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp vẫn được trình lên hội đồng cấp trên; hoặc xét cho những nghệ sĩ tuổi đời còn rất trẻ, chưa có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc. Đáng chú ý, bản nhận xét, đánh giá của hội đồng các cấp trong những trường hợp này sơ sài, qua loa, đại khái…

Nói như NSND Giang Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thì vừa qua có khá nhiều cuộc thi, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ được cọ xát, phát triển nghề nghiệp… Tuy nhiên, điều này cũng dễ “biến tướng” khi nhiều người chỉ chú tâm tham gia liên hoan để có thật nhiều huy chương để đủ tiêu chuẩn nhằm được phong tặng danh hiệu. “Do không quy định thời gian cống hiến, nên có khi vừa phong NSƯT thì 2 năm sau đã được làm hồ sơ xét NSND (đáp ứng đạt 2 HCV). Đây là điều rất phi lý, tôi đề nghị chúng ta phải xem xét lại” - ông Hà nói.

Nhiều ý kiến cho rằng nếu cứ theo “ba-rem” thì nhiều đoàn nghệ thuật ở tỉnh hoặc của Quân đội sẽ rất thiệt thòi, vì họ không có điều kiện tham gia liên hoan, cuộc thi để “lấy” huy chương. Muốn “đặc biệt”thì cũng cần có tiêu chí cụ thể và cũng chỉ nên áp dụng cho NSƯT, còn NSND thì không nên vì tầm NSND là rất lớn.

NSND Thu Hiền cũng cho rằng NSND là phải tài năng thực thụ, phải được nhiều người biết đến, tránh tình trạng được vinh danh NSND nhưng không ai biết nghệ sĩ ấy ở lĩnh vực nào, có những cống hiến gì? “Tôi thấy rất nhiều nghệ sĩ - chiến sĩ tham gia các đoàn đi phục vụ nhân dân, họ hát tốp ca, không có cơ hội tham gia hội thi, liên hoan để có huy chương, nhưng họ cống hiến cả đời với vài trăm suất diễn, thiết nghĩ cần được quan tâm đặc cách”.

Ngược lại, đại diện lĩnh vực đặc thù như giao hưởng cho biết gần 50 năm qua chỉ có 3 hội thi nên các nghệ sĩ giao hưởng gần như không có cơ hội gặt hái huy chương. “Đây là thiệt thòi lớn, nhiều anh chị sắp về hưu cũng chưa có cơ hội làm hồ sơ” - đại diện Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM bày tỏ.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đồng ý với các ý kiến danh hiệu NSƯT có thể cởi mở nhưng NSND cần phải có tài năng nổi trội và thành tích xuất sắc, có sự cống hiến to lớn.

“Chúng tôi nhận thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc, do đó cần có nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, trong quá trình trao đổi, góp ý kiến đã nổi lên một số vấn đề bất cập, đặc biệt là “trường hợp đặc biệt” khi phong danh hiệu. Nhiều hội đồng các cấp có sự lúng túng, thực hiện hồ sơ kê khai sơ sài, thậm chí cẩu thả, không đến nơi đến chốn. Cần rút kinh nghiệm trong việc tham mưu, hướng dẫn cho nghệ sĩ” - bà Thủy nói.

Đến hẹn lại lên, cứ vài năm một lần, việc xét duyệt phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT lại được tiến hành. Song, cứ tới mùa xét tặng là lại xảy ra tranh cãi. Theo thông lệ, việc xét tặng danh hiệu phải qua 4 hội đồng: Hội đồng cơ sở; Hội đồng cấp tỉnh/thành, bộ và hội đồng cuối cùng gồm Hội đồng cấp Nhà nước. Được biết, cơ chế xét duyệt năm nay thay đổi so với 2 đợt xét năm 2015 và 2018. Trong 2 đợt xét trước đó, tỷ lệ đồng thuận phải trên 90% số thành viên hội đồng có mặt tại cuộc họp nhưng năm nay tỷ lệ này giảm còn 80%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét tặng danh hiệu nghệ sĩ: Phải chăng 'cả làng cùng vui'?