Xét tuyển đại học 2021: Hơn 45% thí sinh điều chỉnh nguyện vọng

Minh Quang 07/09/2021 07:26

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), năm 2021 cả nước có 795.353 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học (ĐH). Kết thúc đợt điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vừa qua, có hơn 45% thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng.

Hơn 84 ngàn nguyện vọng tăng thêm

Cụ thể, có 358.659 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, chiếm tỷ lệ 45,09% so với tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển cả nước. Trong đó, các địa phương có số lượng thí sinh điều chỉnh nguyện vọng nhiều là TP Hồ Chí Minh với 36.173 thí sinh- chiếm tỷ lệ 42,85%, TP Hà Nội có 49.045 thí sinh- chiếm tỷ lệ 56,14% so với tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển tại 2 thành phố này.

Cũng theo Bộ GDĐT, sau khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, số nguyện vọng tăng thêm là 84.655 (trung bình 4,9 nguyện vọng/thí sinh). Số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển trước khi điều chỉnh là 3.835.720, sau điều chỉnh là 3.920.375. Trong những ngày tới, Bộ GDĐT và các nhóm trường sẽ tiến hành lọc ảo trước khi công bố điểm chuẩn xét tuyển đợt 1.

Trước đó, đã có 78.173 thí sinh xác nhận nhập học (trúng tuyển bằng các phương thức khác) mà các trường đã cập nhật lên hệ thống, tăng khoảng 5.000 so với năm 2020. Do đó, số thí sinh này sẽ bị loại khỏi dữ liệu các trường tải về xét tuyển để tránh trường hợp thí sinh “ảo” xảy ra. Tuy nhiên, sẽ còn một số thí sinh từ vùng dịch chỉ có thể gửi bản scan giấy chứng nhận kết quả thi để xác nhận nhập học. Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, các trường vẫn sẽ tạo điều kiện để các em xét tuyển như bình thường.

Theo lịch tuyển sinh của Bộ GDĐT, từ 13/9 đến 17 giờ ngày 15/9, các trường thực hiện quy trình lọc ảo xét tuyển đợt 1. Trước 17 giờ ngày 16/9, các trường công bố kết quả xét tuyển đợt 1.

Điểm chuẩn đại học biến động thế nào?

Tuy số lượng nguyện vọng sau điều chỉnh tăng thêm nhiều (gần 85 ngàn nguyện vọng), nhưng các chuyên gia tuyển sinh phân tích, điểm chuẩn đợt 1 dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được dự báo ở mức khác nhau, tuỳ ngành.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh đưa ra dự đoán điểm chuẩn các ngành của trường không thay đổi nhiều so với năm 2020. Năm 2020, điểm chuẩn ngành cao nhất tại Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh là Y khoa với 28,45 (phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT) và 27,7 điểm (phương thức kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ Tiếng Anh). Ngành thấp nhất là Y tế công cộng, 19 điểm.

Còn PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh dự đoán điểm chuẩn năm nay sẽ tăng khác nhau tuỳ ngành và chương trình so với năm ngoái. Trong đó, một số ngành năm ngoái có điểm chuẩn từ 23-25 thì năm nay sẽ không tăng nhiều. Ngành có mức điểm phân khúc thấp có thể không tăng hoặc tăng rất ít. Những ngành có điểm chuẩn top đầu khả năng tăng ít hoặc giữ nguyên do năm ngoái điểm chuẩn đã ở mức cao (ngành Khoa học máy tính chương trình đại trà năm ngoái đã ở mức 28 điểm).

GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội dự đoán, điểm chuẩn vào trường các khối A (Toán-Lý-Hóa), A1 (Toán-Lý-Anh), D (Toán-Văn-Anh) sẽ cao hơn so với năm trước. Các tổ hợp khác, ngưỡng xét tuyển đầu vào có thể ổn định, không có sự khác biệt so với năm 2020. Việc xét tuyển của trường top trên, dù điểm đầu vào có lẽ sẽ cao như năm ngoái nhưng hoàn toàn có thể tuyển được người học có chất lượng tốt.

PGS. TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định, điểm chuẩn các ngành top đầu sẽ cao hơn năm trước. Đó là các ngành Khoa học máy tính; Khoa học dữ liệu (năm ngoái điểm chuẩn là 29.04 điểm).

Cùng với đó, dự báo từ các trường cho biết điểm chuẩn vào ĐH Ngoại thương nhiều khả năng vẫn giữ như năm 2020; Học viện Tài chính, một số ngành có thể nhích lên tới 1 điểm; Trường ĐH Hà Nội dự kiến tăng 1-2 điểm; ĐH Kinh tế Quốc dân có thể tăng nhẹ; Trường Đại học Y Hà Nội, nhiều khả năng không tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét tuyển đại học 2021: Hơn 45% thí sinh điều chỉnh nguyện vọng