Giáo dục

Xét tuyển đại học bằng học bạ: Bỏ hay duy trì?

Nguyễn Hoài 07/01/2024 16:09

Thông tin một số trường đại học công bố bỏ phương thức xét học bạ trong mùa tuyển sinh năm nay đang nhận được sự quan tâm của nhiều học sinh và phụ huynh.

Lo giảm cơ hội vào đại học

Theo đề án tuyển sinh vừa công bố, năm 2024, Trường Đại học Kinh tế quốc dân tuyển sinh theo 3 phương thức: xét tuyển thẳng 2% chỉ tiêu, 18% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (giảm 7% so với năm 2023), 80% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của nhà trường.

W_z3547690928813_10413259e8a52d4d6c14906310a7d2e1.jpg
Cán bộ coi thi kiểm tra thông tin thí sinh trước khi vào phòng thi tốt nghiệp THPT.

Như vậy, năm nay Trường Đại học Kinh tế quốc dân không còn tuyển sinh bằng học bạ. Các năm trước, nhóm thí sinh này chiếm khoảng 10% chỉ tiêu.

Lý giải về việc bỏ xét học bạ, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, việc bỏ nhóm thí sinh này nhằm giảm tỷ lệ ảo khi lọc hồ sơ trúng tuyển, ít ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh chung và quyền lợi của thí sinh.

Tương tự, năm 2024, Trường Đại học Y Hà Nội cũng thông báo không xét tuyển bằng điểm học bạ. Đại học Bách khoa Hà Nội cũng bỏ yêu cầu điểm học bạ đạt 7 trở lên với các môn trong tổ hợp, khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và đánh giá tư duy năm nay.

Trường Đại học Luật TP HCM cũng chỉ tuyển sinh theo 2 phương thức: Xét tuyển sớm theo đề án tuyển sinh của trường (chiếm 45% tổng chỉ tiêu, trong đó bao gồm cả xét tuyển thẳng); xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT với 55% tổng chỉ tiêu.

Việc các trường bỏ phương án xét tuyển học bạ trong mùa tuyển sinh năm 2024 đang nhận được sự quan tâm của học sinh và phụ huynh.

Em Trịnh Thùy Linh, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho hay, gần 3 năm học bậc THPT em đã phấn đấu, nỗ lực rất nhiều trong học tập để đạt kết quả tốt nhằm mục đích đỗ đại học bằng phương thức xét học bạ.

Tuy nhiên, thông tin một số trường top đầu “nói không” với phương thức xét tuyển này trong mùa tuyển sinh năm nay khiến Linh thất vọng và lo ngại bản thân sẽ bỏ lỡ một cơ hội tốt vào đại học.

Nhiều phụ huynh có con học lớp 12 cũng băn khoăn cho rằng, việc loại bỏ phương thức xét tuyển học bạ sẽ gây thiệt thòi cho các thí sinh có kết quả học tập tốt 3 năm học bậc THPT.

Tránh tình trạng xét tuyển học bạ tràn lan

Xét học bạ là phương thức xét tuyển đại học phổ biến trong một vài mùa tuyển sinh trở lại đây. Phương thức này tạo điều kiện cho thí sinh giảm bớt áp lực thi cử. Tuy nhiên, phương án xét tuyển này cũng dấy lên nhiều nghi ngại về độ tin cậy, nảy sinh tình trạng các trường THPT “làm đẹp” học bạ cho học sinh.

Về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong – nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, việc các trường đại học có xu hướng loại bỏ phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ là hợp lý.

Điểm học bạ là điểm đánh giá một quá trình học tập của học sinh cùng với cách tính điểm trung bình cộng nên việc bù điểm, kéo điểm giữa các kỳ kiểm tra sẽ có lợi thế hơn so với tính điểm môn thi tốt nghiệp THPT trong xét tuyển đại học.

GS.TS Phạm Tất Dong cũng cho rằng, phương thức xét học bạ ít nhiều dẫn đến các vấn đề tiêu cực như tình trạng “mua điểm”, “làm đẹp” học bạ, từ đó dẫn tới khó kiểm chứng năng lực thực tế của học sinh.

Bên cạnh đó, chất lượng các cơ sở giáo dục hiện nay ở nước ta vẫn chưa đồng đều, nên việc chấm điểm cho học sinh ở mỗi cơ sở sẽ khác nhau. Vì thế, nếu dựa vào việc xét học bạ THPT để xét tuyển đại học, sẽ không bảo đảm sự công bằng trong xét tuyển đại học giữa các thí sinh trong cả nước.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, phương thức xét tuyển học bạ cần xem xét lại, tránh tình trạng tràn lan như hiện nay. Thay vào đó, các trường có thể đưa ra đề án tuyển sinh riêng với một số quy định nghiêm ngặt hơn để lọc thí sinh giỏi thực sự như: Tăng chỉ tiêu cho các phương thức sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, kết quả thi tốt nghiệp THPT…

Trước đó, trả lời kiến nghị của cử tri về việc Bộ GDĐT nghiên cứu bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường đại học tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển, hoặc kết hợp cả hai.

Quy chế tuyển sinh đại học do Bộ ban hành cũng chỉ quy định nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các trường, còn trường đại học được tự chủ và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh. Vai trò của Bộ là chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế này.

Theo Bộ GDĐT, dù điểm học bạ có được sử dụng để xét tuyển đại học hay không, các trường phổ thông phải có trách nhiệm, biện pháp đảm bảo tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả của người học.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét tuyển đại học bằng học bạ: Bỏ hay duy trì?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO