Năm 2025, nhiều trường đại học thông báo giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức xét học bạ THPT hoặc bỏ hẳn phương thức xét tuyển này với lý do kết quả học bạ các trường có khoảng cách chênh lệch lớn, dẫn tới thiếu công bằng trong xét tuyển đầu vào.
Thêm trường đại học bỏ xét tuyển học bạ
Trường Đại học Sư phạm TPHCM vừa công bố một số thay đổi trong dự kiến đề án tuyển sinh năm 2025 nhằm đáp ứng với đối tượng học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đáng chú ý, năm 2025 nhà trường sẽ không sử dụng kết quả học tập THPT (học bạ) trong xét tuyển, chỉ giữ lại những điều kiện ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Trong định hướng phương thức sử dụng kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt trở thành phương thức chủ đạo, nhà trường sẽ tổ chức kỳ thi này là một kỳ thi độc lập.
Nhà trường sẽ điều chỉnh tổ hợp xét tuyển phù hợp theo các môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Trước mắt vẫn đảm bảo duy trì các tổ hợp xét tuyển của năm 2024 trong các phương thức có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT phù hợp với các môn thi từ năm 2025. Đồng thời, trường sẽ điều chỉnh các tổ hợp không còn phù hợp như loại bỏ các tổ hợp có bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội… thêm mới các tổ hợp có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Theo Trường Đại học Sư phạm TPHCM, trường bỏ xét tuyển học bạ nhằm đáp ứng đối với học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, trên quan điểm chung đảm bảo công bằng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và đảm bảo nâng cao chất lượng đầu vào, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại.
Băn khoăn chất lượng học bạ
Trước đó, một số trường đại học cũng thông tin dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ hoặc bỏ hẳn phương thức xét tuyển này trong đề án tuyển sinh.
Trường Đại học Công thương TPHCM thông tin dự kiến năm 2025, trường sẽ giảm chỉ tiêu tuyển sinh ở phương thức xét điểm học bạ lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 xuống chỉ còn 15-20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.
Năm 2025, Trường Đại học Kinh tế quốc dân tiếp tục bỏ phương thức xét tuyển học bạ và dự kiến giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh so với năm 2024, gồm: xét tuyển thẳng; xét tuyển kết hợp và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 .
Với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, giảm thêm 3% chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT từ 18% năm 2024 xuống còn 15% năm 2025.
Từ năm 2024, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã không còn xét tuyển bằng học bạ.
Lý giải về việc bỏ phương thức xét học bạ, đại diện nhà trường cho biết, qua kết quả tuyển sinh các năm cho thấy nhóm thí sinh trường chuyên xét tuyển bằng học bạ có lực rất giỏi, gần như đều đáp ứng các điều kiện khác về điểm thi đánh giá năng lực, điểm thi tốt nghiệp THPT, chứng chỉ quốc tế... Việc bỏ nhóm thí sinh này nhằm giảm tỷ lệ ảo khi lọc hồ sơ trúng tuyển, ít ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh chung và quyền lợi của thí sinh.
Theo nhiều thí sinh, bỏ phương thức xét học bạ là một bất lợi nhưng cũng tạo sự công bằng trong chặng đua vào đại học sắp tới.
Em Nguyễn Yến Nhi, học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho hay: “Mỗi trường sẽ có tiêu chuẩn, cách đánh giá bằng điểm số khác nhau. Ví dụ như học sinh đạt điểm 10 ở trường này nhưng chưa chắc năng lực tốt hơn học sinh đạt điểm 7, 8 ở trường khác. Mặt khác, đề thi của mỗi trường cũng khác nhau. Thế nên em cho rằng, chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức xét học bạ nên giảm so với các phương thức xét tuyển khác để tạo sự công bằng cho thí sinh”.
Trong một vài mùa tuyển sinh trở lại đây, điểm xét tuyển đại học theo kết quả điểm học bạ không ngừng tăng. Thậm chí ở nhiều ngành, thí sinh đạt điểm tổng kết 9,5 điểm/môn vẫn trượt đại học.
Điều này khiến phương thức xét tuyển bằng học bạ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều về độ tin cậy của kết quả học tập THPT.