Xét tuyển Đại học - Cao đẳng: Cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng

Thu Hương 30/08/2020 19:19

Điều chỉnh, sắp xếp nguyện vọng thế nào để tăng khả năng trúng tuyển là điều được nhiều thí sinh quan tâm ở thời điểm này. Theo dõi điểm sàn xét tuyển của các trường năm nay cũng như điểm chuẩn trúng tuyển vào các năm trước cũng như nhận định của các chuyên gia để có những thay đổi cho phù hợp.

Ảnh minh họa.

Nhiều trường công bố điểm sàn

Sau khi Bộ GDĐT công bố điểm thi, phổ điểm từng môn và các tổ hợp xét tuyển truyền thống, nhiều trường đã xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn xét tuyển).

Trong đó, ĐH Ngoại thương công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho các ngành đào tạo tại 3 cơ sở. Với phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm sàn là tổng điểm 2 môn thi.

Mức điểm nhận hồ sơ cho chương trình tiên tiến Kinh tế đối ngoại là 18, các chương trình tiên tiến khác và chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh là 17. Chương trình Ngôn ngữ thương mại lấy điểm sàn 16,5.

Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, ĐH Ngoại thương lấy điểm sàn 23 cho tất cả chương trình giảng dạy tại trụ sở chính Hà Nội và cơ sở 2 TP Hồ Chí Minh. Tại cơ sở Quảng Ninh, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 18 điểm.

Các trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội thông báo điểm sàn xét tuyển năm nay. Cụ thể, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) thông tin năm nay trường tuyển sinh 1.650 chỉ tiêu cho 32 ngành đào tạo. Trong đó, có 1.485 chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Do điểm thi năm nay cao hơn năm ngoái nên nhà trường dự kiến mức điểm sàn tăng 1 - 2 điểm; điểm trúng tuyển dự kiến tăng 1,5 - 3 điểm tùy theo số lượng thí sinh đăng ký vào từng ngành.

Căn cứ vào tình hình chung, số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào từng ngành, số lượng chỉ tiêu, trường đang xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho phương thức tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Tương tự, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nằm trong khoảng 15 - 19 điểm. Mức điểm chuẩn dự kiến tăng 0,5 - 1 điểm so với năm ngoái do số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường cùng chỉ tiêu tuyển sinh đều không thay đổi. Tuy nhiên, một số ngành có lượng hồ sơ lớn có thể tăng nhiều hơn.

Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội xác định điểm sàn 17 cho các ngành tuyển sinh. Điểm chuẩn có thể cao hơn năm ngoái nhưng không chênh lệch nhiều.

Trường ĐH Ngoại ngữ cho biết điểm sàn các ngành đào tạo giáo viên sẽ theo mức điểm chung do Bộ GDĐT xác định. Với các ngành ngôn ngữ, trường dự kiến lấy ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 18 điểm.

Trường ĐH Kinh tế lấy điểm sàn 18 cho chương trình đào tạo chất lượng cao (mã xét tuyển QHE40, QHE41, QHE42, QHE43, QHE44, QHE45). Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho chương trình liên kết quốc tế (mã xét tuyển QHE80) là 16,5 điểm.

Điềm sàn là tổng điểm các môn thi theo tổ hợp xét tuyển tính hệ số 1 cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực. Tùy từng chương trình đào tạo sẽ có những tiêu chí phụ riêng. Trong đó, với chương đào tạo chất lượng cao, điểm Tiếng Anh đạt từ 4 trở lên. Thí sinh đăng ký vào chương trình liên kết quốc tế phải đạt điểm Tiếng Anh đạt từ 6,5 trở lên. Ở cả hai chương trình, điểm môn này nhân hệ số 2.

Học viện Ngân hàng xác định chung một ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho các phương thức xét tuyển là 19 điểm. Điểm này bao gồm tổng điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển của ngành đăng ký và điểm ưu tiên theo khu vực, đối tượng.

ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh thông báo, điểm sàn ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo cao nhất là 26,5.

Lưu ý nguyện vọng

Theo các chuyên gia, điểm sàn được xác định căn cứ vào tình hình chung, số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào từng ngành, số lượng chỉ tiêu… Tuy nhiên, các thí sinh cần lưu ý đây chỉ là mức điểm nhận hồ sơ để xét tuyển còn điểm chuẩn sẽ có hơn tùy từng ngành. Vì vậy, cần so sánh mức điểm chuẩn năm ngoái, cộng thêm điểm ở tùy từng ngành để có điểm chuẩn dự kiến. Nhất là với các ngành hot, đông thí sinh đăng ký, nếu điểm của thí sinh chỉ bằng hoặc trên điểm sàn xét tuyển 1-2 điểm thì thí sinh cần hết sức cân nhắc việc nộp hồ sơ xét tuyển vào trường.

Vì phổ điểm thi năm nay đều cao hơn ở các môn nên điểm chuẩn dự kiến đều tăng ở nhiều trường. Vì vậy, một lưu ý nữa là các thí sinh cần so sánh kết quả thi của mình và mặt bằng điểm chung năm nay để có các thông tin tham khảo chính xác nhất.

Liên quan đến việc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học, đây là cơ hội duy nhất cho các thí sinh tăng khả năng trúng tuyển vào ngành, vào trường mình yêu thích.

Tuy nhiên, không phải thí sinh nào cũng cần điều chỉnh nguyện vọng bởi nếu điểm thi của em không nằm ngoài dự đoán, cao hơn điểm chuẩn vào trường năm ngoái ở mức an toàn, có thể là 2-4 điểm tùy từng ngành thì không cần thay đổi nguyện vọng.

Những thí sinh cần thay đổi là điểm thi thấp hoặc cao hơn dự đoán nhiều, thấp hơn điểm chuẩn xét tuyển vào ngành năm ngoái… Tuy nhiên, một lưu ý quan trọng là ngoài điểm chuẩn, thí sinh nên để ý ngành nào trường thông báo xét tuyển bổ sung nhiều đợt (bằng điểm thi) ở các năm trước. Những ngành đó được ít thí sinh quan tâm nên điểm chuẩn không cao, cơ hội trúng tuyển lớn.

Một chuyên gia tuyển sinh đưa ra lời khuyên, thí sinh còn có thể tìm thấy "chỉ dẫn" quan trọng, đáng tham khảo từ điểm chuẩn xét bằng học bạ của ngành yêu thích. Trong đó, điểm chuẩn học bạ của một ngành cao vượt trội chứng tỏ ngành đó có sức hút. Nhiều khả năng điểm chuẩn xét kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ cao.

PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh gợi ý, nếu thí sinh có điểm thi từ 24 trở xuống nên đăng ký khoảng 10 nguyện vọng. Trong đó, ba nguyện vọng đầu ưu tiên cho ngành mình yêu thích nhất ở trường top trên. Nguyện vọng giữa dành cho ngành có điểm chuẩn năm ngoái ngang điểm thi hiện tại. Nguyện vọng dự phòng dành cho ngành top dưới.

Bộ GDĐT tinh giản nội dung 10 môn học

Bộ GDĐT điều chỉnh nội dung dạy học nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Chương trình đảm bảo thực hiện trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

10 môn học được điều chỉnh nội dung dạy học gồm Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh Học, Tin học, Công nghệ, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân.

Bộ điều chỉnh theo nguyên tắc tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, tích hợp một số nội dung thành các chủ đề. Bộ cũng điều chỉnh nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục.

Hướng dẫn của Bộ nhấn mạnh nhà trường, giáo viên không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn. Bộ cấm dạy, đọc thêm, không thực hiện hay yêu cầu mà cần khuyến khích học sinh tự làm, tự thực hiện.

Đối với các môn học, hoạt động giáo dục còn lại, Bộ GD&ĐT yêu cầu trường tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông Bộ ban hành năm 2011.

Đối với các môn học theo chương trình nâng cao ở cấp THPT và các lớp học theo mô hình trường học mới, cơ sở giáo dục trung học căn cứ hướng dẫn để chủ động điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp.

Lam Nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét tuyển Đại học - Cao đẳng: Cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng