Để tránh gây lãng phí và áp lực, không hiệu quả đối với thí sinh, nhiều trường đại học (ĐH) quy định giới hạn số lần thi của học sinh mỗi năm.
Hiện tại, có hơn 90 trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐH Quốc gia Hà Nội làm căn cứ xét tuyển ĐH. Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, kỳ thi được thiết kế với mục tiêu ổn định, phân loại và đánh giá tương đối toàn diện thí sinh. Ở năm 2024, kỳ thi giữ nguyên, ổn định về cấu trúc, về lĩnh vực, về loại hình câu hỏi để thí sinh yên tâm ôn tập và thi.
Điểm mới năm nay đó là tăng cường về mặt kỹ thuật khi tăng thêm quy mô kỳ thi, địa điểm thi, mở thêm những địa điểm thi mới tạo thuận lợi cho thí sinh. Đặc biệt, năm 2024, kết quả bài thi ĐGNL sẽ được đồng bộ hóa với cổng thông tin xét tuyển ĐH của Bộ GDĐT. Do vậy, thí sinh có cơ hội xét tuyển sớm tại các trường ĐH sử dụng kết quả thi ĐGNL hoặc xét tuyển cùng với đợt xét tuyển chung của Bộ GDĐT trong thời gian tới đây.
“Một điểm mới nữa là chúng tôi cũng sử dụng công nghệ nhận diện thí sinh tại các điểm thi. Khi thí sinh lập tài khoản, cung cấp ảnh, số căn cước công dân sớm sẽ hạn chế sai sót và thuận tiện cho thí sinh trong việc tiếp cận và làm bài thi ngay tại địa điểm thi, tránh phải chỉnh sửa những thông tin cần thiết” - ông Thảo chia sẻ.
Về quy định giới hạn thí sinh dự thi tối đa 2 lượt thi trong 1 năm, đồng thời phải đảm bảo khoảng cách giữa 2 lượt thi là 28 ngày, ông Thảo cho biết trên thực tế việc thi nhiều đối với kỳ thi đánh răng lực không có tác dụng, cụ thể là khó thay đổi kết quả điểm thi. Do các thí sinh thường tập trung tham gia thi vào tháng 4, tháng 5 nên nếu thí sinh đăng ký thi liên tục sẽ ảnh hưởng cơ hội của thí sinh khác. Lời khuyên của chuyên gia này đó là thay vì thi nhiều lần, các em hãy ôn tập thật tốt, nghiêm túc thì sẽ đạt kết quả cao.
Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ GDĐT), việc giới hạn số lần thi sẽ mở ra cơ hội cho các thí sinh ở khu vực khác nhau có nhiều cơ hội tiếp cận đến kỳ thi ĐGNL. Các bài thi ĐGNL là bài thi xác định nhóm năng lực của thí sinh theo chuẩn đầu ra nên dù thí sinh dù dự thi nhiều lần nhiều lần trong thời gian ngắn cũng không làm thay đổi kết quả mà cần có thời gian tích lũy kiến thức, sau đó thi lại để cải thiện kết quả.
Ghi nhận năm 2023, ĐH Quốc gia TPHCM có nhiều thí sinh đăng ký dự thi 2 lần để cải thiện kết quả. Thống kê trong số hơn 44.100 thí sinh xác nhận dự thi đợt 2 năm 2023 của ĐH này, chỉ có trên 14.500 thí sinh đăng ký thi lần đầu còn lại là thí sinh đã thi lần thứ 2 trong năm. Con số 67% thí sinh dự thi đợt 2 cho thấy nhiều thí sinh đăng ký thi hơn 1 lần để cải thiện điểm số. Điều này theo nhiều học sinh là không công bằng bởi ngoài những thí sinh ở thành phố lớn hoặc các địa phương ở gần nơi tổ chức thi sẽ thuận lợi trong việc di chuyển, tham gia kỳ thi, những thí sinh ở xa sẽ bị hạn chế cơ hội. Bên cạnh đó, lệ phí thi của từng cơ sở giáo dục đào tạo cũng dao động từ 450 nghìn đồng - 1,5 triệu đồng/lần thi, không phải thí sinh nào cũng có điều kiện đăng ký thi nhiều lần.
Ông Khuyến nhìn nhận, hiện nay có hơn 10 kỳ thi riêng do các trường ĐH tổ chức độc lập với quy trình xét tuyển. Tuy nhiên, có những kỳ thi kết quả được dùng để xét tuyển vào nhiều trường ĐH, trong khi có những kỳ thi chỉ trong nội bộ trường sử dụng, rất lãng phí và tốn kém thời gian, tiền bạc của thí sinh. Các trường cần mở rộng liên kết và có thống nhất để công nhận kết quả lẫn nhau trong tuyển sinh. Đồng thời, các kỳ thi riêng đều tổ chức nhiều đợt thi để phục vụ xét tuyển ĐH nên thí sinh cần cân nhắc lựa chọn kỳ thi và thời gian đăng ký phù hợp tránh lãng phí.