Tính đến tháng 1/2023, có 5 kỳ thi riêng do các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) tổ chức. Trong đó, 2 kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL), đánh giá tư duy (ĐGTD) được tổ chức với quy mô lớn, lên tới 70.000 - 100.000 lượt thí sinh và hàng chục trường ĐH thông báo công nhận kết quả để xét tuyển.
Kỳ thi riêng bắt đầu từ tháng 3/2023
Các cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi riêng nói trên bao gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Bộ Công an tổ chức.
Với kỳ thi ĐGNL của Đại học Quốc gia Hà Nội, dự kiến có 8 đợt thi, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 6. Thí sinh có nguyện vọng dự thi có thể đăng ký dự thi trực tuyến từ tháng 2/2023. Thí sinh còn có thể đăng ký tham dự kỳ thi ĐGTD của ĐH Bách khoa Hà Nội. Kỳ thi dự kiến được tổ chức 3 đợt vào các tháng 5, 6 và 7/2023. Điểm mới của kỳ thi năm nay là đề thi được xây dựng theo hướng gọn nhẹ hơn, thời gian làm bài được điều chỉnh từ 270 phút xuống còn 150 phút. Thí sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội còn có thể đăng ký tham dự kỳ thi ĐGNL của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Thời gian tổ chức kỳ thi vào đầu tháng 5/2023. Thí sinh đăng ký dự thi từ ngày 20/2 đến ngày 9/4.
Ở phía Nam, thí sinh có thể đăng ký tham dự kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM, thời gian thi dự kiến vào 2 đợt cuối tháng 3 và tháng 5/2023. Đề thi được giữ nguyên hình thức, cấu trúc, cách đăng ký thi như năm 2022. Bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 150 phút. Cùng với đó, mới đây, trên địa bàn TPHCM còn có Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã công bố sẽ tổ chức kỳ thi ĐGNL. Thời gian tổ chức kỳ thi dự kiến vào tháng 4 và tháng 6/2023.
Điểm mới đáng chú ý trong kỳ tuyển sinh ĐH năm 2023 là các cơ sở đào tạo đều có chủ trương công nhận chéo kết quả kỳ thi riêng của nhau, tạo điều kiện để thí sinh có thể sử dụng kết quả kỳ thi của một trường để đăng ký xét tuyển vào nhiều trường. Thí sinh cần cập nhật thông tin, tận dụng tối đa cơ hội để có thể trúng tuyển vào nguyện vọng phù hợp nhất. Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 2022 có trên 60 cơ sở đào tạo ĐH tuyên bố sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Năm nay, các trường đang xây dựng Đề án thi nên chưa có số liệu tổng hợp. Tuy nhiên, với uy tín và chất lượng của kỳ thi, chắc chắn có nhiều ngành đào tạo, trường ĐH trong cả nước sử dụng để tuyển sinh thời gian tới.
Là một trong những cơ sở giáo dục ĐH sử dụng kết quả kỳ thi ĐGTD của ĐH Bách khoa Hà Nội để xét tuyển đầu vào hệ ĐH chính quy, PGS.TS Nguyễn Viết Thái - Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông (Trường ĐH Thương mại) cho hay: Năm 2023, trường dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT (có thể giảm khoảng 10%) và tăng chỉ tiêu với phương thức xét tuyển kết hợp; trong đó có xét tuyển kết quả kỳ thi ĐGTD do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức.
Xu thế của tương lai
Bà Trần Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) cho biết, qua nắm bắt thông tin của trường, hiện đã có khoảng 400 học sinh trong trường quan tâm đến kỳ thi ĐGTD do ĐH Bách khoa Hà Nội và bài thi ĐGNL do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức. “Chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi của học sinh lớp 12 về thời gian, địa điểm tổ chức và cấu trúc đề thi. Tất cả băn khoăn, thắc mắc của các em đều được trường tổng hợp và gửi đến các cơ sở giáo dục ĐH tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng. Ngoài ra, chúng tôi hướng dẫn học sinh liên hệ đến trường ĐH, nơi các em dự định đăng ký xét tuyển nguyện vọng để được giải đáp chi tiết, đúng trọng tâm. Hoặc các em có thể tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh và đặt câu hỏi với chuyên gia để được hướng dẫn tận tình” - bà Yến nói.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho thấy, năm 2022, các trường ĐH dành hơn 31.000 chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả của kỳ thi ĐGNL, ĐGTD. Số thí sinh nhập học theo phương thức này là hơn 9.000 em, chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả phương thức. Các chuyên gia dự đoán năm 2023, số trường ĐH sử dụng kết quả của các kỳ thi nói trên, và chỉ tiêu dành cho kỳ thi riêng sẽ tăng lên so với năm 2022.
TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam viện dẫn, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (Luật số 34) và lộ trình đổi mới tuyển sinh của Bộ GDĐT từ nay đến năm 2025, các trường được tự chủ cao trong tuyển sinh gồm: Thi tuyển, xét tuyển và kết hợp thi tuyển - xét tuyển. Trên cơ sở đó, nhiều trường đẩy mạnh tổ chức các kỳ thi riêng (thi đánh giá năng lực, thi đánh giá năng lực chuyên biệt, thi đánh giá tư duy...) để xét tuyển ĐH.
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, từ năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các cơ sở giáo dục ĐH cần tính toán phương thức tuyển sinh. Trong giai đoạn này, Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được tổ chức nhưng rất khó để đáp ứng hoàn toàn cho các trường ĐH xét tuyển đầu vào, vì mỗi trường có yêu cầu khác nhau.
Bộ GDĐT khuyến khích các trường ĐH chủ động hợp tác, liên kết tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy tại địa phương; tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo. Khi tổ chức kỳ thi riêng, cần tạo điều kiện cho thí sinh, tránh việc đi lại tốn kém và phải tham dự nhiều kỳ thi.