Xét tuyển ĐH, CĐ bằng học bạ: Liệu có tiêu cực?

Thu Hương 04/02/2017 08:55

Câu hỏi không mới này lại một lần nữa được đặt ra dù mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2017 chưa chính thức khởi động. Thông tin về việc thầy giáo có thể nâng điểm cho một số học sinh lớp 12 để làm đẹp học bạ, tăng cơ hội xét tốt nghiệp THPT, đỗ ĐH, CĐ khiến xã hội lo ngại có thể xảy ra tiêu cực.

Ảnh minh họa.

Từ một câu chuyện…

Học kỳ 2 mới bắt đầu không lâu nhưng ngành giáo dục đã nóng lên bởi câu chuyện ở Trường THPT Trần Phú (Hà Nội). Cụ thể, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đã có kết luận sau khi điều tra vụ việc sửa điểm môn Vật lý ở lớp 12D4 trường này. Trong sổ điểm cá nhân của thầy Đỗ Văn Thành (giáo viên dạy môn Vật lý lớp 12D4), điểm môn Vật lý của học sinh lớp 12D4 tại phần ghi điểm miệng, có 8 đầu điểm bị chữa (gạch đi và ghi lại bằng bút đỏ).

Trang “Điểm học kỳ lớp 12D4” do báo chí phản ánh có 23 đầu điểm đã thay đổi gồm: Điểm hệ số 1 gồm: 4 đầu điểm kiểm tra miệng và 11 đầu điểm kiểm tra 15 phút; điểm hệ số 2 có 8 đầu điểm.

Như vậy, việc thầy giáo Đỗ Văn Thành đã thay đổi 23 đầu điểm, do đó có sự tăng điểm tổng kết môn Vật lý học kỳ I cho 12 học sinh lớp 12D4. Việc thầy giáo chấm đề cương, chấm vở, kiểm tra lại nhằm chọn điểm cao hơn để thay thế điểm đã có của học sinh là không đúng quy định.

Việc thầy giáo cho học sinh lên bảng làm bài tập, trả lời câu hỏi lý thuyết để lấy điểm cao hơn thay thế điểm trước đó cũng không đúng quy định.

Việc làm trên của thầy giáo Đỗ Văn Thành tuy không mang động cơ cá nhân, không vụ lợi, nhưng đã vi phạm quy định về tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh.

Từ đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu Trường THPT Trần Phú tính lại điểm môn Vật lý, điểm trung bình học kỳ I các môn của lớp 12D4 theo đúng quy định, công khai điểm với các học sinh…

Bảng điểm quyết định việc đỗ ĐH

Trên đây chỉ là một trong số những câu chuyện bị phụ huynh phát hiện, báo chí lên tiếng và có kết luận kỷ luật đối với giáo viên bộ môn, hiệu trưởng nhà trường.

Trên thực tế, theo Quy chế thi THPT Quốc gia 2017, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục sử dụng kết quả học tập trong năm lớp 12 với kết quả các bài thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Việc làm này cụ thể hóa sự kết hợp đánh giá trong quá trình với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học theo tinh thần Nghị quyết 29.

Bên cạnh đó, theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2017 của Bộ GD&ĐT vừa công bố, việc giữ nguyên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) với các trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển khiến không ít thí sinh và phụ huynh tiếc nuối.

Trước đó, tại dự thảo công bố cách đây hơn một tháng, Bộ đã dự kiến không đưa ra điểm sàn, mà để các trường ĐH tự quy định và tự công bố ngưỡng đầu vào của từng trường.

Với việc giữ nguyên điểm sàn, cánh cổng vào ĐH với nhiều thí sinh có lực học trung bình hoặc thấp hơn dường như không còn rộng mở như trước. Phương án xét tuyển vào ĐH, CĐ bằng học bạ THPT được coi là phương án “dễ thở” và an toàn hơn đối với nhiều thí sinh.

Vì vậy, việc dư luận lo ngại chuyện sửa điểm, nâng điểm cho học trò để có được bảng điểm đẹp hơn ở nơi này nơi kia là có thật, nhất là khi thầy cô giáo vì thương học trò, vì nể nang phụ huynh nhờ…

Thậm chí, như ý kiến của một thầy giáo đã hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục thì từ khi có chủ trương xét học bạ thì điểm của học sinh lớp 12 cao thấy rõ. Không ai muốn học sinh của mình thua kém học sinh lớp khác, trường khác.

Đối với việc xét tuyển vào ĐH, CĐ bằng học bạ, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý các trường phải công khai đề án tuyển sinh riêng. Các trường có thể lựa chọn các phương thức tuyển sinh: Sơ tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh hoặc sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường khác để xét tuyển; Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT; Sử dụng đồng thời các phương thức tuyển sinh trên và phải công bố công khai chỉ tiêu đối với từng phương thức. Đặc biệt, nếu các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành hoặc nhóm ngành (gọi chung là ngành) phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh.

Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, lãnh đạo Trường ĐH Công nghệ TP HCM (HUTECH) cho biết, năm nay nhà trường dự kiến thực hiện đồng thời hai phương thức tuyển sinh: xét tuyển kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2017 và xét tuyển kết quả học tập năm lớp 12 đối với tất cả các ngành đào tạo trình độ ĐH chính quy.

Theo đó, với tổng chỉ tiêu 5.280, HUTECH sẽ dành 70% chỉ tiêu tuyển sinh theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia và 30% chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết quả học tập năm lớp 12.

Điều kiện xét tuyển là học sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương. Đối với phương thức xét tuyển kết quả học tập năm lớp 12, điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình năm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển cộng với điểm ưu tiên.

Năm nay, trường được tổ chức nhiều đợt tuyển sinh trong năm, dự kiến bắt đầu đợt 1 từ 2/5 đến 30/6. Đợt tuyển sinh thứ 8 từ 1/9 đến 10/9. Thí sinh cần cân nhắc kỹ nguyện vọng để tránh theo học những ngành mình không yêu thích.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét tuyển ĐH, CĐ bằng học bạ: Liệu có tiêu cực?