Ngày 5/1, Phan Văn Anh Vũ, 2 cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến) và các đồng phạm tiếp tục bị HĐXX thẩm vấn để làm rõ cáo buộc gây thất thoát hơn 22.000 tỷ đồng. Trong khi trình bày trước tòa, Phan Văn Anh Vũ nói “cảm thấy đau đớn” vì lúc thì được khen, khi thì bị truy tố, đồng thời đòi phải xử lý nghiêm những người giám định thiệt hại vì “làm sai luật”.
Cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến tại tòa. Nguồn: Laodong Online.
Quy kết kinh hoàng?
Tại tòa, bị cáo Phan Văn Anh Vũ tiếp tục phản bác cáo trạng và cho rằng bản thân không có hành vi phạm tội. Bị cáo Vũ khẳng định, bản thân rất hoang mang khi bị Viện KSND Tối cao “quy kết kinh hoàng” đối với bị cáo, khi cáo buộc việc mua bán nhà, đất công sản là hành vi thâu tóm, đầu cơ đất trên địa bàn TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, tại tòa, điều tra viên của Bộ Công an vẫn khẳng định CQĐT đã tiến hành thu thập đầy đủ hồ sơ, tài liệu xác định bị cáo Phan Văn Anh Vũ có hành vi đồng phạm với 2 cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến) và các bị cáo khác từng là lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp nhà nước tại Đà Nẵng, trong việc mua bán các dự án nhà, đất công sản, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước.
Liên quan đến dự án 29ha đất ở Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước, Phan Văn Anh Vũ cho rằng, lời khai của cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến vào chiều ngày 4/1 là không chính xác, bởi thời điểm giao 29ha không phải là “đất sạch”, mà vẫn còn là mặt biển chưa được san lấp. Hơn nữa, tại thời điểm chuẩn bị triển khai dự án thì Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra dự án, sau đó cơ quan CSĐT vào cuộc nên không thể tiếp tục triển khai dự án. Phan Văn Anh Vũ khẳng định, lúc đó bị cáo đã nhiều lần có đơn đề nghị trả lại đất và xin lại tiền nhưng không được. “Tôi hoàn toàn bế tắc, đã 3 lần làm văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng xin được trả lại dự án và lấy lại số tiền ban đầu nhưng không được...” - bị cáo Vũ khai.
Trước sự nhắc nhở của Chủ tọa phiên tòa yêu cầu Phan Văn Anh Vũ trả lời ngắn gọn không lòng vòng, bị cáo Vũ vẫn “xin được trình bày” với lý do: Vụ án có nhiều uẩn khúc mà cáo trạng không nêu hết, rất khó để HĐXX có cái nhìn toàn diện khi xem xét vụ án. Phan Văn Anh Vũ tiếp tục trình bày: Về nguồn tiền để mua nhà, đất công sản, với những dự án do cá nhân bị cáo mua thì tự bỏ tiền túi hoặc vay mượn, còn nếu pháp nhân mua thì tiền của các công ty đó. “Việc thành lập 5 công ty là để có thể phân loại các dự án, bởi một công ty không thể làm tới 5-7 dự án. Ngân hàng cho vay chỉ có hạn mức, một công ty chỉ có thể được vay tối đa 30-50 tỷ đồng, nếu một công ty mà làm tới 5-7 dự án sẽ vượt quá hạn mức, do đó phải thành lập nhiều công ty để có thể vay nhiều vốn. Việc thành lập 5 công ty này không phải để luồn lách trốn thuế mà chỉ để phuc vụ mục đích kinh doanh, còn đóng ngân sách cho thành phố...” – bị cáo Vũ lý giải.
Đau đớn vì “trước khen, sau truy tố”
Một lần nữa, Phan Văn Anh Vũ lặp lại điệp khúc là rất hoang mang với những cáo buộc của cơ quan công tố dành cho bị cáo. Phan Văn Anh Vũ khẳng định bản thân không có hành vi thâu tóm, đầu cơ nhà, đất công sản trên địa bàn TP Đà Nẵng, mà chỉ thuần túy kinh doanh bất động sản, thấy hợp lý thì mua, thuận mua vừa bán. “Tôi là người đi mua, tại sao dùng từ kinh khủng như vậy? Tôi không hiểu thâu tóm nghĩa là sao, đầu cơ nghĩa là sao? Việc mua bán nhà, đất công sản tại Đà Nẵng là đúng quy định, không hiểu vì sao bị khởi tố. Pháp luật chỉ có một, tại sao hai nhiệm kỳ lãnh đạo thành phố trước đó đã có rất nhiều bằng khen, giấy khen cho tôi, ủng hộ tôi, mà đến nay lại mang tôi ra xét xử trước tòa. Tôi rất đau đớn về việc này...” – Phan Văn Anh Vũ tỏ ra uất ức.
Mặc dù luôn mồm biện bạch rằng bản thân kinh doanh hợp pháp không phạm tội như cáo buộc của cơ quan công tố, song Phan Văn Anh Vũ lại tỏ ra không quan trọng nếu bị HĐXX xác định có tội, bởi bị cáo đã bị xử tới 30 năm tù trong các vụ án khác. “Nếu phiên tòa này HĐXX có cho tôi vô tội hay bản án 5 năm, 10 năm cũng không làm hình phạt của tôi nặng thêm (theo quy định tổng hợp hình phạt các bản án tù có thời hạn sẽ không quá 30 năm - PV) để mà tôi phải quanh co chối tội, song tôi cũng không thể nhận tội thay người khác như gợi ý của các điều tra viên” - Phan Văn Anh Vũ nói.
Tính giá thời điểm khởi tố là sai luật?
Vẫn trong mạch trình bày, Phan Văn Anh Vũ cho rằng việc cơ quan thẩm định giá và các cơ quan tố tụng áp giá hiện tại để quy kết thiệt hại cho giao dịch bất động sản ở thời điểm nhiều năm trước là không hợp lý. Đồng quan điểm với Phan Văn Anh Vũ, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh cũng cho rằng, cách tính thiệt hại lên tới hơn 11.000 tỷ đồng ở dự án 29 ha Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước là hết sức vô lý. Theo cựu Chủ tịch Trần Văn Minh, khi Công ty Xây dựng 79 của Vũ tiếp nhận dự án này thì chưa phải đất sạch, vẫn là mặt nước biển. Trong khi đó, việc xác định thiệt hại căn cứ giá ở thời điểm khởi tố vụ án (tháng 4/2018 - PV), lúc này dự án đã được san lấp. “Việc cơ quan thẩm định giá tính thiệt hại căn cứ giá trị bất động sản ở thời điểm 2018 trong khi giao dịch xảy ra từ chục năm trước là bất hợp lý. Bị cáo đề nghị xử lý nghiêm những người giám định do làm sai luật...” – Phan Văn Anh Vũ đặt vấn đề.
Nội dung về cơ sở pháp lý trong việc thẩm định giá trị tài sản Nhà nước bị thiệt hại tại vụ án này cũng được nhiều luật sư đưa ra chất vấn đại diện Hội đồng định giá tố tụng Trung ương. Đại diện Hội đồng định giá tố tụng Trung ương cho biết: Hội đồng không phải là cơ quan xác định hậu quả thiệt hại vụ án, cũng không có chuyên môn này. Hội đồng chỉ làm theo trưng cầu giám định của CQĐT với mốc định giá là thời điểm khởi tố vụ án. Khi định giá, các thành viên Hội đồng đã đến tận nơi tìm hiểu, thông qua nhiều hình thức, kể cả công ty đấu giá và sàn giao dịch bất động sản. Lập tức Luật sư Phan Thị Lệ Tuyên thắc mắc: Việc định giá thực địa thế nào khi trước năm 2011 ở đây là khu vực mặt nước biển? “Năm 2011 định giá căn cứ vào hồ sơ, kiểm tra lại bằng Google map. Hội đồng đưa ra kết quả, còn dùng thế nào là việc của các cơ quan khác...” – giám định viên trả lời.
Tòa tuyên bố kết thúc phần thẩm vấn và tạm nghỉ đến sáng 7/1 sẽ bước vào phần tranh luận.